Việt Nam đang đi đúng hướng trong chương trình quốc gia về kháng kháng sinh

25/01/2017 03:38 AM



Đại diện của FAO, WHO và OIE công bố thông tin về hành động đa ngành về kháng kháng sinh
ở Campuchia, Lào và Việt Nam

Vấn đề thách thức toàn cầu của kháng kháng sinh

Kháng thuốc kháng sinh diễn ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên kháng với kháng sinh đã sử dụng để điều trị những nhiễm trùng do chúng gây ra. WHO chỉ ra những nguyên nhân chính của tình trạng này là kê kháng sinh quá nhiều, không hợp lý; Người bệnh không dùng hết liều điều trị; Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt; Thiếu vệ sinh và hệ thống vệ sinh yếu kém; Chưa có kháng sinh mới.

Theo WHO, tình trạng kháng thuốc làm xói mòn nỗ lực của thế giới trong điều trị các bệnh nhiễm trùng và giảm hiệu quả của các tiến bộ trong y học. Đặc biệt, kháng kháng sinh sẽ rất nguy hiểm đối với những bệnh truyền nhiễm như HIV, AIDS, Lao... và tác động tới sự bền vững của hệ thống lương thực và sinh thái. Do đó, vấn đề kháng thuốc đã được đặt ra ở nhiều bàn Hội nghị cấp cao như Hội nghị G7, G20, Đại hội đồng Liên hợp quốc... để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia đa ngành về kháng thuốc theo cách tiếp cận "Một sức khỏe".

Việt Nam, Lào và Campuchia đều gặp phải những vấn đề thách thức toàn cầu với kháng kháng sinh, đặc biệt là vấn đề kháng thuốc sốt rét, lao, bệnh lậu, các bệnh lây qua đường tiết niệu và tình trạng kháng thuốc sau phẫu thuật. Tại Việt Nam, một vấn đề lớn đặt ra với tình trạng kháng kháng sinh chính là việc nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Lao kháng thuốc tại Việt Nam cũng đang là tình trạng đáng báo động. Năm 2015, Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).

Theo WHO, điều khó nhất với ba nước này chính là làm sao để thay đổi được hành vi, thái độ của cán bộ, bác sĩ và bác sĩ thú y trong kê đơn thuốc có trách nhiệm. Người dân chưa ý thức được hệ quả của việc sử dụng kháng sinh quá mức.

Kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh


Tại hội nghị, các chuyên gia đã có ba ngày làm việc khá căng thẳng để bàn đến các chương trình hành động quốc gia ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho vấn đề chống kháng thuốc. Trong đó, các nước cùng đặt ra các vấn đề về tăng cường hợp tác đa phương; Nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc kháng sinh; Giám sát sử dụng kháng sinh; Vệ sinh môi trường; Tối ưu hóa sử dụng thuốc kháng sinh ở người và động vật.

Th.s Ngô Thị Bích Hà, Cục Khám chữa bệnh - đại diện cho Việt Nam đã công bố chương trình hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc. Cụ thể, Việt Nam đã có thỏa thuận ghi nhận giữa bốn Bộ là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Việt Nam đang xây dựng cơ chế phối hợp giữa bốn Bộ và sẽ hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc trong Nông nghiệp vào cuối năm 2017.

Cũng như Lào và Campuchia, Việt Nam đang tiến hành khảo sát ý thức người dân trong sử dụng kháng sinh, xây dựng công cụ truyền thông, xây dựng thông điệp truyền thông chung cho ngành y, tập huấn thực hành tốt cho cán bộ y tế để hướng dẫn cho người dân về sử dụng kháng sinh hợp lý. Sau đó, sẽ có đánh giá lại hiệu quả của việc truyền thông, tiếp tục truyền thông cho đối tượng đích là bác sĩ, điều dưỡng, học sinh, sinh viên y, nông dân và các nhà hoạch định chính sách.

Nâng cao năng lực giám sát cho các cơ sở y tế, Việt Nam đang tiến hành đánh giá năng lực hệ thống xét nghiệm trong nông nghiệp và xây dựng mạng lưới giám sát trong chăn nuôi. Tiến tới xây dựng phòng xét nghiệm tham chiếu, phòng xét nghiệm chuẩn và duy trì hệ thống giám sát quốc gia.

Để kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, ngoài việc đánh giá về mức độ tuân thủ vệ sinh trong y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn trong nông nghiệp, kiểm soát hoạt động ô nhiễm môi trường, Việt Nam cũng sẽ áp dụng các biện pháp khác thay thế như tiêm phòng, đảm bảo an ninh sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về tối ưu hóa sử dụng thuốc kháng sinh ở người và động vật, Việt Nam trước mắt xây dựng công cụ đánh giá chương trình quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu kháng thuốc cho cả y tế và nông nghiệp. Tăng cường hoạt động chia sẻ giữa các Bộ và xây dựng biểu đồ về sử dụng và kháng thuốc kháng sinh.

Tại Campuchia, hiện nay cũng mới chỉ xây dựng bản tuyên bố chung ở cấp Bộ của Bộ Nông nghiệp, Y tế, Môi trường và Công thương. Vì thế, các Bộ cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia chung. Tiến tới thiết lập ban chỉ đạo "Một sức khỏe" dưới sự chủ trì của Thủ tướng và có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan.

Campuchia cũng sẽ đánh giá quy định hiện hành về kháng thuốc như quy định kê đơn, buôn bán thương mại cấp phát thuốc, đăng ký lưu hành các loại thuốc kháng sinh. Ngoài việc tăng cường truyền thông cho người dân, cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, thì tới đây Campuchia sẽ xây dựng Module về kháng thuốc và sẽ được lồng ghép trong chương trình đào tạo của các trường Đại học về sức khỏe và thú y. Bên cạnh thiết lập hệ thống giám sát về kháng thuốc trong y tế ở cấp độ quốc gia, Campuchia cũng thí điểm hệ thống giám sát kháng thuốc một số nơi trọng điểm.

Xây dựng kế hoạch quốc gia về chống kháng thuốc, ngành Y tế Lào cũng đã tăng cường tổ chức họp giữa Bộ Y tế, Nông nghiệp và Lâm nghiệp thường kỳ để chia sẻ thông tin. Lào đang tiến hành nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm quốc gia; Thiết lập hệ thống dữ liệu về sử dụng kháng sinh để dễ dàng theo dõi và sẽ cập nhật hướng dẫn về kháng sinh trên số liệu về hiệu quả lâm sàng. Kế hoạch dài hạn của Lào sẽ ban hành quy định chính sách về sử dụng kháng sinh hợp lý có sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Nông nghiệp và Lâm nghiệp.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống kháng thuốc, đại diện WHO khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc chống kháng thuốc. WHO cũng thấy những tín hiệu tích cực từ phía Việt Nam trong việc có Chương trình hành động quốc gia về kháng kháng sinh và coi trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp về việc sử dụng kháng sinh an toàn. Trong chăn nuôi, Việt Nam đã có những chính sách về hạn chế và cấm sử dụng kháng sinh cũng như có sự giám sát chặt chẽ về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm nông nghiệp.

Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo, người dân phải sử dụng KS thận trọng để thuốc có hiệu quả chữa bệnh càng lâu càng tốt: Chỉ dùng KS khi bác sĩ kê đơn; Luôn dùng KS đủ liều, kể cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ; Không bao giờ dùng KS còn thừa từ đợt điều trị trước; Không bao giờ chia sẻ thuốc KS của mình với người khác; Phòng chống nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh và tiêm phòng đầy đủ.

Đối với nhân viên y tế, phòng chống nhiễm trùng bằng cách bảo đảm giữ vệ sinh tay, dụng cụ y tế và môi trường sạch sẽ; Bảo đảm bệnh nhân của mình được tiêm phòng đầy đủ; Nếu nghĩ rằng bệnh nhân cần được điều trị bằng KS, hãy làm xét nghiệm khẳng định, nếu có thể, để xác định loại vi khuẩn gây bệnh; Chỉ kê đơn và phát thuốc KS khi thật sự cần thiết; Kê đơn và phát đúng loại KS, đúng liều dùng và thời gian sử dụng.

Đối với ngành Nông nghiệp, bảo đảm rằng các loại KS dùng cho vật nuôi (bao gồm sản xuất thức ăn hay chăm sóc sức khỏe gia súc gia cầm) chỉ sử dụng để kiểm soát hoặc điều trị các bệnh truyền nhiễm dưới sự giám sát của bác sĩ thú y; Tiêm phòng cho vật nuôi để giảm thiểu nhu cầu sử dụng KS và đưa ra các biện pháp thay thế cho KS dùng trong trồng trọt; Quảng bá và ứng dụng các biện pháp thực hành tốt trong tất cả các giai đoạn sản xuất và chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật; Áp dụng các hệ thống bền vững nhằm cải thiện vệ sinh, an toàn sinh học và không gây đau đớn cho động vật; Thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng KS và hướng dẫn có trách nhiệm do OIE, FAO và WHO đưa ra.



Nguồn: Báo Nhân dân điện tử