Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp

07/02/2017 07:07 AM



Giao dịch "một cửa" tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính
của Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Năm 2016, được đánh giá là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành BHXH, nhưng cũng là một năm thành công của BHXH Việt Nam khi hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao...

Cùng với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm là công tác thu và phát triển đối tượng tham gia, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Phát huy những kết quả đạt được và thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thay đổi tác phong, chú trọng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt, đồng bộ với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý.

Những nỗ lực cắt giảm TTHC của ngành BHXH được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Ngành đã cắt giảm xuống còn 32 thủ tục (giảm thêm một thủ tục so với thời điểm cuối năm 2015), thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%...

Cùng với đó, nhiều hoạt động phục vụ định hướng hiện đại hóa ngành BHXH được BHXH Việt Nam và các đơn vị tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả, như: tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành BHXH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; triển khai dự án “Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH” nhằm số hóa tài liệu… Và một trong những thành công của ngành là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nghiệp vụ, vận hành các phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ, hệ thống giao dịch điện tử và các dịch vụ CNTT khác. Như việc xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống giao dịch BHXH điện tử để cung cấp các dịch vụ công trên một cổng thông tin duy nhất và thống nhất của ngành. Đến nay, đã có hơn 78% số đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử với gần một triệu giao dịch phát sinh mỗi tháng.

Đặc biệt là việc tập trung triển khai thực hiện hai dự án công nghệ thông tin có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa của ngành. Đó là: Hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc. Hệ thống này cung cấp thông tin, là công cụ tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ KCB BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ BHYT khi đến KCB. Đến nay, hệ thống này đã kết nối thành công với 99,5% số cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đang thực hiện chuẩn hóa danh mục BHYT, liên thông dữ liệu KCB thông qua Cổng thông tin giám định BHYT.

Dự án thứ hai là Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT - nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT được BHXH Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và chính quyền các địa phương tập trung phối hợp xây dựng. Đến nay, cả nước đã thu thập và nhập thông tin của 24,2 triệu hộ dân với hơn 92,8 triệu người (cơ bản đạt tỷ lệ 100% dân số cả nước) và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho 65,7 triệu người. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình để cập nhật và cấp số định danh duy nhất cho mỗi cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ, năm 2016 đã đặt ra những thách thức lớn cho ngành BHXH. Cùng với những sự kiện chính trị lớn của đất nước, cơ quan BHXH cũng nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới với yêu cầu mới cao hơn. Với chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động kiến tạo đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ là điều chỉnh chỉ tiêu về phát triển BHYT, nâng mục tiêu trước năm 2020 phải bao phủ BHYT hơn 90%. Đây là nhiệm vụ rất nhiều thách thức, bởi mỗi % tăng thêm tương đương hàng triệu người tham gia mới. Số người chưa tham gia thuộc các nhóm rất khó để phát triển.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2016, tỷ lệ BHYT bao phủ 81,8% dân số toàn quốc, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là một kết quả thành công lớn của toàn ngành BHXH. Một thành công lớn nữa của ngành BHXH năm 2016 giảm số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cả về số tiền và tỷ lệ trên số phải thu. Với số nợ là 7.580 tỷ đồng, chiếm 3,22% so với số phải thu trong tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT khá phổ biến, công cụ chức năng thanh tra của cơ quan BHXH vẫn còn rất mới, việc “khởi kiện” doanh nghiệp vi phạm phải tạm dừng…, là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành BHXH.

Năm 2017, ngành BHXH tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là hoàn thành các quy trình quản lý nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động. Xác định cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với cơ sở KCB. Phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao.

Đồng thời, để hoàn thành các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương; Phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Đề án "Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB đến khả năng cân đối quỹ BHYT" và Đề án "Xây dựng mô hình tổ chức BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở Việt Nam" được giao tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22-7-2016 của Chính phủ. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng…/.



Nguồn: Báo Nhân dân điện tử