Báo động tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

15/02/2017 08:15 AM


 

Ảnh minh họa

Trong báo cáo mới nhất tới lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đưa ra những con số đáng báo động về thực trạng dinh dưỡng không hợp lý hiện nay. Đáng chú ý là tình trạng thiếu dinh dưỡng ở các bà mẹ còn ở mức cao, năm 2015 có 13,4% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ bị thiếu năng lượng trường diễn (BMI thấp). Bên cạnh đó, có tới 25,5% phụ nữ không có thai và 32,8% phụ nữ có thai bị thiếu máu.

Theo Viện Dinh dưỡng, suy dinh dưỡng bào thai khá cao với tỷ lệ 7% trẻ sơ sinh nhẹ cân. Các bà mẹ thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn kém, chỉ có 57,8% trẻ sơ sinh được bú sớm trong vòng một giờ đầu, chỉ có 10,8% trẻ dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ là chủ yếu, có 15,2% trẻ được bú mẹ đến hai tuổi. Ăn bổ sung còn chưa hợp lý.

Thiếu vi chất ở trẻ nhỏ còn là vấn đề quan trọng sức khỏe cộng đồng, có 27,8% trẻ nhỏ thiếu máu (31,2% ở miền núi) và 69,4% thiếu kẽm (80,8% ở miền núi). Hiện nay, vẫn còn tình trạng thiếu an ninh lương thực và nghèo đói ở nhiều khu vực như miền núi phía bắc, Nam miền trung, Tây nguyên và Tây Nam bộ, đặc biệt nghiêm trọng hơn với biến đổi khí hậu.

Vấn đề về thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý như thừa cân - béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng đường máu và các bệnh mạn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư ... đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và chiếm tới 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong. Do đó, để bảo đảm mọi người ở trong một hành lang an toàn về dinh dưỡng thì cần có chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý.

Theo TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, suy dinh dưỡng rất phổ biến đối với bệnh nhân nằm viện, đó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sức khỏe và bệnh tật. Suy dinh dưỡng làm chậm quá trình hồi phục và làm nặng tình trạng bệnh, tăng thời gian nằm viện và tỷ lệ biến chứng, tỷ vong cao hơn.

Tại Việt Nam, cho tới nay, vấn đề điều trị bằng dinh dưỡng cho các bệnh nhân còn ít được quan tâm. Với mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2011/TT-BYT hướng dẫn công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện từ năm 2011. Nhưng mặc dù khoa Dinh dưỡng đã được thành lập nhưng thực tế hoạt động của khoa Dinh dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực của cán bộ khoa Dinh dưỡng còn yếu, chưa cung cấp suất ăn bệnh lý, chế độ dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân.

Để giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thấp còi, theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong thời gian tới, Viện tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, thử nghiệm và triển khai các can thiệp cải thiện chế độ ăn nhằm bảo đảm dinh dưỡng hợp lý tới cộng đồng theo các nhóm đối tượng khác nhau (tình trạng sinh lý, giai đoạn vòng đời, ngành nghề, tình trạng các yếu tố nguy cơ ...); khảo sát và tư vấn thực đơn chế độ ăn, tổ chức ăn cho các bếp ăn tập thể cho các nhóm đối tượng đặc thù. Đặc biệt là phát triển kỹ thuật, chuẩn bị và triển khai Tổng điều tra dinh dưỡng 2019 làm cơ sở xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn tiếp theo. Để phát triển dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, cần mở rộng mạng lưới đào tạo cử nhân dinh dưỡng tiết chế và có chính sách chế độ đãi ngộ, khuyến khích cán bộ khoa dinh dưỡng trong bệnh viện và đẩy mạnh nghiên cứu dinh dưỡng điều trị, và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, phác đồ dinh dưỡng lâm sàng tại bệnh viện.

Một trong những đề xuất rất đáng chú ý của Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia trong giai đoạn tới, là đề nghị cơ quan chuyên ngành cần đưa ra những thông tin định hướng để có sự phân biệt rõ ràng giữa thực phẩm chức năng tràn lan thị trường với thực phẩm điều hòa và hồi phục dinh dưỡng bao gồm các loại vitamin, khoáng chất, thuốc chống biếng ăn ở trẻ và một số sản phẩm dinh dưỡng do Viện hợp tác nghiên cứu với Nhật Bản hiện nay. Viện đề xuất Bộ Y tế cho phép các bác sĩ dinh dưỡng tại cơ sở y tế công được tư vấn về các sản phẩm vitamin, khoáng và sản phẩm dinh dưỡng đặc thù bao gồm các men enzym được WHO khuyến cáo.

Theo TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay, Viện đã có các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng mắc các bệnh mạn tính không lây như: sản phẩm kiểm soát đường máu, mỡ máu; sản phẩm dành cho các đối tượng thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tim mạch… cùng nghiên cứu sản xuất với chuyên gia Nhật. Hiện nay, Viện đang nghiên cứu các sản phẩm dinh dưỡng điều trị trong bệnh viện phục vụ ngành khoa học dinh dưỡng lâm sàng, thay thế các sản phẩm ngoại nhập. Đồng thời nghiên cứu một số thực phẩm đặc thù cho các đối tượng lao động đặc biệt như: chiến sĩ hải quân, bộ đội đặc công, công an, công nhân các khu công nghiệp nặng…/.

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử