Từ ngày 01/03/2017: Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ tại các cơ sở y tế

28/02/2017 03:58 AM



Đội đột quỵ là đội phản ứng nhanh về đột quỵ do cơ sở y tế thành lập, có chức năng tiếp nhận, đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu và hỗ trợ vận chuyển người bệnh đột quỵ. Đơn vị đột quỵ là bộ phận thuộc khoa lâm sàng của cơ sở y tế, thực hiện các chức năng như của đội đột quỵ và cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực, phục hồi chức năng, dự phòng đột quỵ cho người bệnh. Khoa đột quỵ là khoa lâm sàng của cơ sở y tế, thực hiện các chức năng như của đơn vị đột quỵ và điều trị nội khoa toàn diện cho người bệnh đột quỵ. Và trung tâm đột quỵ là đơn vị lâm sàng của cơ sở y tế, thực hiện chức năng như của khoa đột quỵ và điều trị ngoại khoa cho người bệnh đột quỵ.

Đội đột quỵ, đơn vị đột quỵ, khoa đột quỵ và trung tâm đột quỵ tại cơ sở y tế bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần. Người bệnh đột quỵ được coi là trường hợp cấp cứu, cơ sở y tế ưu tiên tập trung mọi điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất để xử trí cấp cứu kịp thời, chẩn đoán nhanh, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho họ. Đối với các bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, phấn đấu đến năm 2020 thành lập khoa đột quỵ, đến năm 2025 thành lập trung tâm đột quỵ. Các bệnh viện đa khoa hạng 01 phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đơn vị đột quỵ, đến năm 2025 thành lập khoa đột quỵ. Các bệnh viện đa khoa còn lại phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đội đột quỵ, đến năm 2025 thành lập đơn vị đột quỵ.

Đột quỵ là tình trạng rối loạn chức năng tuần hoàn não, xảy ra khi thiếu máu não cục bộ (do cục máu đông trong tim) hay mạch máu bị vỡ do tăng huyết áp đột ngột quá mức - Đây là hậu quả của thói quen sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá và ít vận động... Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với di chứng về thần kinh và vận động. 03 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7% - 2,5%; trong đó, tỷ lệ nam giới đột quỵ cao gấp 04 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, những người ở độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn, cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ. Theo thống kê khác, mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam kể từ năm 2013 đến nay có giảm (khoảng 17%) so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh (chiếm 90%) với nhiều di chứng nặng nề như liệt chi, liệt nửa người, viêm phổi, co cứng gân cơ, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần dạng trầm cảm, loét vùng xương cùng - cụt và một số vị trí bị tỳ đè do nằm lâu… Hiện có khoảng 486.000 người còn sống sau đột quỵ, song chỉ có khoảng 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân được, 20-25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự phục vụ của người khác.



Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội