Không được lơ là với “sát thủ vô hình” H7N9

03/04/2017 02:21 AM




Tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 xuất hiện từ cuối năm 2003, bùng phát đỉnh điểm vào năm 2005 và kéo dài trên gia cầm đến đầu năm 2008. Tính đến thời điểm này, có 127 người bị lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm, gây tử vong 64 trường hợp. Từ sau năm 2008, cúm A/H5N1 xuất hiện rải rác ở các tỉnh, thành trên gia cầm mà không bùng phát thành dịch; đồng thời không ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm sang người trong 3 năm trở lại đây.

Cúm A/H7N9 trên gia cầm được ví như “sát thủ vô hình”

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến giữa tháng 3/2017, có 7 địa phương đã phát hiện ổ gia cầm nhiễm cúm A/H5N1 (Nam Định, Nghệ An, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ngãi); song chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm sang người.

Trong khi cúm A/H5N1 không quá khó để phát hiện bởi gia cầm nhiễm virus này có biểu hiện rù hoặc chết, thì cúm A/H7N9 lại vô phương phát hiện. Gia cầm nhiễm cúm A/H7N9 vẫn không hề hấn, khỏe mạnh bình thường và không chết. Đáng nói là, bằng mắt thường không thể nhận biết được gia cầm nhiễm cúm A/H7N9, mà phải lấy mẫu để xét nghiệm mới phát hiện chính xác. Một điều đáng nói khác là virus cúm A/H7N9 khi lây lan sang người sẽ gây tử vong với tỉ lệ dao động từ 20- 40%, tức là cứ 100 người nhiễm cúm A/H7N9 thì 20- 40 người sẽ mất mạng.

Với đặc tính không thể phát hiện bằng mắt thường, cúm A/H7N9 trên gia cầm được xem là “sát thủ vô hình”, uy hiếp sức khỏe con người không chỉ ở phạm vi cá nhân, cộng đồng, mà còn ở tầm quốc gia, toàn cầu. Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 tại nhiều quốc gia.

Việt Nam dù đến thời điểm này chưa phát hiện dấu hiệu nào của cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm và trên người; song ẩn chứa nguy cơ cao bị “sát thủ vô hình” này xâm nhập mạnh từ Trung Quốc- nơi đã phát hiện cúm A/H7N9 từ năm 2013 và đang bùng phát thành dịch. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành Y tế Trung Quốc ghi nhận có đến 487 trường hợp (người) nhiễm cúm A/H7N9 từ gia cầm, trong đó có 99 trường hợp tử vong. Nguy hiểm hơn, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Vân Nam và Quảng Tây là hai địa phương giáp ranh giới Việt Nam.

Hiện ngành Y tế Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan trong nỗ lực phòng chống hiệu quả dịch cúm gia cầm, vừa lo “thù trong” với cúm A/H5N1, vừa chống “giặc ngoài” là cúm A/H7N9. Hiện Cục Y tế dự phòng đã nhiều lần khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không được lơ là với cúm gia cầm để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Cụ thể: Không ăn thịt gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc: đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội