Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội

05/04/2017 01:38 AM



Hướng dẫn thủ tục cho người tham gia BHXH tại BHXH tỉnh Đắk Lắk

Thấp so với tiềm năng

Đánh giá diện bao phủ BHXH ở Việt Nam hiện nay, Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang nhận định: Trong những năm qua, mỗi khi chính sách BHXH thay đổi thì diện bao phủ được mở rộng hơn. Trong giai đoạn 2007 - 2016, có 89.000 đơn vị hành chính tham gia BHXH; hơn 7.000 doanh nghiệp (DN) nhà nước, hơn 15.000 DN FDI và khoảng 179.000 DN tư nhân. Xu hướng số DN nhà nước ngày càng giảm và số DN tư nhân tham gia BHXH có tốc độ tăng nhanh. Số DN tư nhân tham gia BHXH tăng gần bốn lần sau 10 năm, số DN FDI tăng hơn hai lần và các khu vực khác ổn định.

Đến năm 2016, số người tham gia BHXH đạt 13 triệu, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động (khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đáng chú ý, có hơn bốn triệu người thuộc khu vực hành chính - đoàn thể, 1,2 triệu lao động thuộc DN nhà nước, 3,71 triệu lao động khu vực DN tư nhân và 3,7 triệu lao động khu vực DN FDI. Như vậy hành chính chiếm khoảng 59%, DN nhà nước chiếm 29% và DN FDI khoảng 5%. Nếu tính số người tham gia bình quân một đơn vị thì số người DN FDI là 241 người; DN nhà nước là 157 người và còn lại bình quân từ 21 đến 25 người.

Năm 2016 có 3,7 triệu người lao động trong 179.000 DN tư nhân tham gia BHXH bắt buộc, bình quân khoảng 21 người/DN tham gia BHXH - phần lớn thuộc các DN nhỏ và vừa. Đáng chú ý, trong năm 2016, riêng TP Hồ Chí Minh đã tăng mới 13.157 DN tham gia BHXH cho 75.978 lao động (bình quân 5,8 lao động/DN); tỷ lệ DN đóng BHXH cho dưới 10 lao động chiếm đến hơn 78,5% tổng số DN đang tham gia BHXH; DN từ 10 đến 50 lao động chiếm hơn 16,8%; từ 50 đến 500 lao động chiếm 4,17% và hơn 500 lao động chiếm 0,45%.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn “khoảng trống” lớn trong thực hiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đó là các cơ quan nhà nước chưa nắm được cũng như chưa thống kê chính xác số lao động đang làm việc nhưng chưa được tham gia BHXH. Theo số liệu thống kê mới, DN nhà nước và khu vực hành chính có tỷ lệ tham gia BHXH cao, còn lại có khoảng 7,5 triệu người lao động đang làm việc trong DN nhưng số tham gia BHXH vẫn còn rất ít. Mức tiền lương đóng BHXH của các DN cũng không đúng với thực tế. Hầu hết DN xây dựng hai thang bảng lương (bảng lương quyết toán cơ quan thuế khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng; bảng lương đóng BHXH khoảng 3,8 triệu đồng/người/tháng). “Như vậy, với hơn 15.000 lao động, mỗi tháng đóng BHXH thấp hơn khoảng 1 triệu đồng thì quỹ BHXH “bỏ lọt” số tiền tương đối lớn”.

Tiếp cận nhóm người bị "bỏ sót"

Theo Liên minh Toàn cầu về Sàn An sinh Xã hội, Việt Nam sẽ chỉ cần phân bổ thêm khoảng 1,8% GDP là có thể san bằng khoảng trống về ASXH và đưa mọi người dân lên trên mức chuẩn nghèo quốc tế (1,9 USD/ngày).

“Mặc dù khoảng trống này ở Việt Nam còn lớn hơn một số nước như Thái-lan, Việt Nam ở mức khá hơn so với một số nước ngang bằng hoặc thậm chí nhỉnh hơn về trình độ phát triển như Ma-lai-xi-a,” nguyên Giám đốc Ban An sinh Xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế của Liên hợp quốc (ILO), M.Xi-con, nhận định. “Đây là một tín hiệu tốt, cho thấy việc san bằng khoảng trống về ASXH của Việt Nam là tương đối khả thi”.

Theo ông M.Xi-con, tỷ lệ bao phủ BHXH ở mức thấp là một trong những vấn đề chính của hệ thống ASXH mà Việt Nam đang cố gắng giải quyết. Cần tăng độ bao phủ của BHXH, để Nhà nước có thể tập trung vào những đối tượng chưa được bảo vệ, với mục đích bảo đảm rằng mọi người đều nhận được hỗ trợ khi cần.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lê cho rằng, những người đã tham gia là các đối tượng "dễ tiếp cận nhất". Việt Nam cần thêm nhiều chính sách thực hiện và thu hút hiệu quả hơn, bao gồm tăng cường thanh tra trong lĩnh vực BHXH, nhằm mở rộng diện bao phủ của BHXH. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động với hợp đồng ngắn hạn, và các doanh nghiệp gia đình phần lớn vẫn đang nằm ngoài hệ thống BHXH.

Đồng thời, chương trình hiện tại chưa được điều chỉnh để bao gồm nhóm lao động tự làm và các hình thức lao động phi kết cấu. Nhận định rằng bảo hiểm tự nguyện cũng hiếm khi có được những thành tựu thuyết phục tại các nước khác, đại diện của ILO khuyến khích Việt Nam tìm các giải pháp sáng tạo để chạm tới “nhóm người bị bỏ sót” này.

Tính bền vững của hệ thống BHXH ngày nay đang bị thách thức bởi quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình hiện tại của Việt Nam là 76, so với tuổi 70 vào năm 1990. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của những người đã qua mức 60 tuổi là 81, tương đương các nước phát triển hơn Việt Nam như Bra-xin, Thái-lan và chỉ thấp hơn ba đến bốn tuổi so với các quốc gia Tây Âu.

"Khi xã hội và kinh tế phát triển, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và mức đóng góp là một phần của bất kỳ hệ thống ASXH nào. Hàng chục năm kinh nghiệm tại các quốc gia khác đã khẳng định rằng cải cách không phải là dấu hiệu cho thấy sự thất bại, mà là một phần tất yếu của quá trình phát triển", Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

ILO cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ vào cuộc và tăng mức chi tiêu công vào các dịch vụ xã hội và hỗ trợ tài chính, bảo đảm rằng kể cả nhóm dễ bị tổn thương nhất và những người sống tại các vùng sâu, vùng xa cũng nhận được hỗ trợ. Tăng cường những nỗ lực này là cần thiết để hiện thực hóa ASXH cho tất cả mọi người.

Đề xuất giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong thời gian tới, Chính phủ cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp theo hướng gắn trách nhiệm của từng địa phương; tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và BHXH; thực thi chính sách hỗ trợ “có điều kiện” để tạo thói quen tham gia BHXH; bổ sung chế độ ngắn hạn đối với chính sách BHXH tự nguyện. Cùng với đó, cần coi việc tham gia BHXH cho NLĐ là một trong những điều kiện để DN tiếp cận các chương trình ưu đãi của Nhà nước. Xây dựng chính sách “con tham gia BHXH, bố mẹ được hưởng lương hưu xã hội”; đơn giản hóa quy trình thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách; xóa bỏ rào cản về ranh giới hành chính, địa phương trong việc tham gia hệ thống BHXH./.




Nguồn: Báo Nhân dân điện tử