Bài học kinh nghiệm về phát triển đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT

13/04/2017 07:27 AM




Trong những năm qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương, việc thực hiện Đề án BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến thời điểm 31/12/2016, số người tham gia BHYT toàn tỉnh có 1.454.315 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 78,66% dân số của tỉnh, trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là 188.587 người, chiếm tỷ lệ 12,96% trên tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh và chiếm khoảng 34,72% trên số người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình, cơ bản đạt được chỉ tiêu của Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng ngày càng cao hơn, giảm gánh nặng về tài chính cho người dân không may ốm đau, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững, thực hiện bình đẳng xã hội, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ gia đình còn thấp, đơn vị  (xã, phường, thị trấn) có số người tham gia đông nhất cũng chỉ vài trăm thẻ, thậm chí có đơn vị chỉ có vài người tham gia, chủ yếu là những người có nguy cơ cao về bệnh tật. Qua nghiên cứu cho thấy nhân dân tham gia BHYT với tỷ lệ thấp, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi rất cần được sự chăm sóc sức khỏe nhưng vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn không có khả năng đóng góp cho quỹ BHYT, mặt khác do công tác tuyên truyền chưa được rộng khắp và thường xuyên dẫn đến sự hiểu biết về BHYT chưa đầy đủ.

Thực tế cho thấy, để phát triển đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT rất khó khăn, tuy nhiên tính bền vững chưa cao, những người đã tham gia BHYT trong năm nếu không bị ốm đau, không sử dụng dịch vụ y tế thường không muốn tham gia BHYT trong những năm tiếp theo. Để duy trì và phát triển BHYT trong nhân dân cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để mọi người dân hiểu về chính sách BHYT và tiếp tục tham gia.

Hội nghị tổng kết công tác Đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT hộ gia đình
tại huyện Buôn Đôn

Qua kinh nghiệm thực tiễn và qua Hội nghị tổng kết công tác Đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong toàn tỉnh, để ngày càng phát triển bền vững đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT, một số bài học rút ra là:

- Tiếp tục mở rộng đại lý thu đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức kinh tế đủ mạnh về chất lượng (nhân viên đại lý thu phải được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức và kỹ năng tuyên truyền về chính sách BHYT, thực hiện theo đúng quy trình từ khâu thu tiền, lập danh sách nhận và cấp phát thẻ BHYT, đặc biệt nhân viên đại lý thu phải có cái tâm tức là đạo đức nghề nghiệp, biết quan tâm đến người tham gia BHYT, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân, quan tâm về thời gian tham gia, thời gian hết hạn sử dụng thẻ để đôn đốc nhắc nhở nhằm đảm bảo quyền lợi và tính liên tục thẻ BHYT) và số lượng (mỗi xã có ít nhất 03 nhân viên đại lý thu), mỗi nhân viên đại lý thu phải có một điểm thu, danh sách các nhân viên đại lý thu và điểm thu phải được thông báo rộng rãi đảm bảo người có nhu cầu tham gia BHYT dễ tiếp cận và thuận lợi hơn, đây là “yếu tố quan trọng hàng đầu” trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ BHYT toàn dân.

- Tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi…Công tác tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả người lao động, người sử dụng lao động, các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên, nhân dân tại các thôn, buôn, tổ dân phố… và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT, đặc biệt tuyên truyền vận động để người dân tích cực tham gia BHYT theo hộ gia đình, đảm bảo trong năm tài chính có 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng, một mặt tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT, mặt khác giảm bớt một phần khó khăn về tài chính khi có nhiều người trong hộ tham gia BHYT.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội, chính quyền địa phương, các phòng chức năng, các tổ chức Hội - Đoàn thể trên địa bàn huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT toàn dân, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ người dân, tuyên tuyền, vận động người dân tham gia BHYT. Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy và chính quyền thực sự quan tâm, vào cuộc thì nơi đó người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều.

- Củng cố, nâng cao chất lượng chất lượng khám, chữa bệnh BHYT thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để có tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt hơn, bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT sẽ thu hút người dân tham gia BHYT ngày càng nhiều, những người đã tham gia sẽ tiếp tục tham gia khi thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, thể hiện tính cộng đồng, chia sẻ và tính bền vững cao.

Phát triển BHYT hộ gia đình trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn đòi hỏi cơ chế chính sách phù hợp, sự năng động tích cực của những người làm công tác bảo hiểm xã hội, hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, BHYT, sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan có liên quan, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh. Phát huy những kết quả đã đạt được, với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ thúc đẩy sự tham gia BHYT của nhân dân ngày càng nhiều, đưa công tác BHYT trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển vững chắc góp phần thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc - bảo vệ sức khỏe nhân dân./.




Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ