Chế độ BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài tại Việt Nam

24/04/2017 07:02 AM



Số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua.
(Nguồn ảnh: Internet)

Số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh


Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định “NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.”

Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH thì số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2011 đến năm 2016, số lao động nước ngoài từ 63.557 người lên 83.046 người. Trong tổng số 83.046 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam năm 2016 thì nữ chiếm 16,6%; số lao động nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia ở Châu Á (chiếm 73% tổng số lao động nước ngoài), Châu Âu (chiếm 21,6%), Châu Mỹ (chiếm 2,4%), còn lại là các quốc gia khác (chiếm 3%). Số lao động nước ngoài làm việc dưới 1 năm chỉ chiếm 4,4%, điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và tính ổn định của lao động này ở Việt Nam.

Bên cạnh số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng thì lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng đang tiếp tục tăng lên qua các năm. Theo quy định của một số nước thì việc áp dụng BHXH đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng sẽ là tiền đề cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội được tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà NLĐ đến làm việc.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do một số yếu tố như Hiệp định thương mại tự do, hội nhập khu vực, phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN.

Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là cần thiết.

Đối tượng áp dụng

Chiếu theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật về đối tượng công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định về đối tượng áp dụng Nghị định cụ thể như sau: NLĐ là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc khi có một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (Giấy phép lao động; Chứng chỉ hành nghề; Giấy phép hành nghề); người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.

Số lao động nữ chiếm 16,6% trên tổng số lao động là nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
(Nguồn ảnh: Internet)

5 chế độ BHXH bắt buộc

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định của Luật BHXH thì BHXH bắt buộc bao gồm 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, hiện nay theo thiết kế của Luật BHXH năm 2014 thì có nhóm đối tượng áp dụng cả 5 chế độ là cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động; bên cạnh đó có nhóm đối tượng cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ áp dụng với hai chế độ là hưu trí và tử tuất như cán bộ không chuyên trách cấp xã, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không bao gồm hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp trúng thầu, đầu tư ra nước ngoài), người đi theo diện phu nhân, phu quân. Như vậy, rõ ràng việc thực hiện BHXH bắt buộc có thể được thực hiện với một, một số hoặc cả 5 chế độ của BHXH bắt buộc.

Từ ngày 01/7/2017, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh bởi Luật An toàn vệ sinh lao động và Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó tại khoản 7 Điều 6 của Luật An toàn vệ sinh lao động đã có quy định “... riêng việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam và thực hiện nguyên tắc về đối xử bình đẳng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất đối tượng là NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; và tử tuất.

Cộng dồn thời gian tham gia BHXH

Theo nguyên tắc của pháp luật quốc tế thì việc cộng dồn thời gian tham gia BHXH ở cả nước tiếp nhận và nước phái cử sẽ tạo điều kiện cho NLĐ đủ điều kiện về thời gian để tính hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc cộng dồn thời gian tham gia BHXH của NLĐ khi di chuyển lao động giữa các nước là vấn đề phức tạp và có liên quan đến những yếu tố về cơ sở hạ tầng, tính toán quy đổi thời gian tham gia, nên vấn đề liên thông cộng dồn thời gian chưa đưa vào dự thảo Nghị định. Nguyên tắc cộng dồn thời gian tham gia trước mắt sẽ chỉ áp dụng đối với một số quốc gia mà Việt Nam có ký thỏa thuận song phương toàn phần mà trong đó có điều khoản về cộng dồn thời gian tham gia BHXH.

Mức đóng và phương thức đóng


Đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc khi có một trong các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (Giấy phép lao động; Chứng chỉ hành nghề; Giấy phép hành nghề), hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; tối đa bằng 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức cụ thể do Chính phủ quy định; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Người sử dụng lao động không phải đóng BHXH cho NLĐ khi NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Quy trình, thủ tục, hồ sơ tham gia

Quy trình và thủ tục, hồ sơ tham gia và giải quyết các chế độ BHXH đối với lao động nước ngoài được áp dụng tương tự như đối với lao động Việt Nam. Tuy nhiên, để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài trong quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, dự thảo Nghị định quy định bổ sung và giảm bớt một số quy trình thủ tục, hồ sơ để phù hợp với đặc điểm của lao động nước ngoài; đồng thời quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng giám đốc BHXH Việt Nam trong việc ban hành các biểu mẫu, hồ sơ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại Luật BHXH và Nghị định này; quy định hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có trách nhiệm ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ BHXH bằng tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác để NLĐ thuận lợi trong việc đăng ký tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH quy định tại Nghị định này.

Dự kiến, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018./.




Nguồn: Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam