60% người Việt bị tăng huyết áp không biết bệnh của mình

15/05/2017 09:01 AM




Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ước tính hiện nay, tại Việt Nam có tới 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận khiến cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với người dân xã Phù Linh

Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, phần lớn người Việt Nam đang có nếp sinh hoạt làm tăng nguy cơ tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng, gây biến chứng tim mạch. Cụ thể: Có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/trái cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của WHO và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.

Để công tác phòng, chống bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh không lây nhiễm đạt hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục phối hợp với ngành y tế trong việc xây dựng và thực thi các chính sách, quy định liên ngành theo chức năng để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh; đồng thời vận động người dân thực hiện lối sống lành mạnh. Các địa phương cần xây dựng các chương trình, mô hình nâng cao sức khỏe cộng đồng để phòng chống tăng huyết áp và các bệnh tật khác.

Riêng ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân biết cách dự phòng và đo huyết áp, phát hiện sớm bệnh. Các cơ sở y tế liên quan, đặc biệt ở tuyến cơ sở tổ chức đo kiểm tra huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; đồng thời, tăng cường công tác phát hiện sớm, dự phòng cho người nguy cơ cao, quản lý và chăm sóc tại cộng đồng cho người mắc bệnh tăng huyết áp nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung...

Ông Jun Nakagawa- Phó trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ: Tăng huyết áp còn được gọi là huyết áp cao, là một vấn đề y tế công cộng toàn cầu. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, WHO khuyến cáo Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp cần chỉ đạo, điều hành hành động liên ngành tạo ra môi trường hỗ trợ người dân có lối sống lành mạnh (như tạo môi trường không khói thuốc lá, bảo đảm thực phẩm sạch và an toàn, có bầu không khí trong lành...). Hệ thống y tế cần tiếp tục cải cách, trong đó tập trung vào tăng cường hệ thống y tế công cộng; đồng thời giáo dục cho người dân về phòng chống bệnh không lây nhiễm. “Hệ thống y tế công cộng cần đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài dựa vào trạm y tế xã và cộng đồng trong điều trị, quản lý tăng huyết áp lồng ghép với các bệnh mãn tính khác, đặc biệt là đái tháo đường, một loại bệnh không lây nhiễm nhưng cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch”- ông Jun Nakagawa nói.

Còn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tăng huyết áp là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm. Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình, tăng cường ăn rau và trái cây, giảm ăn muối xuống dưới 5 gam/ngày, tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và hạn chế uống rượu bia để dự phòng tăng huyết áp nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt người trên 40 tuổi.

Theo điều tra, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp hiện nay, có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Trong khi đó, người mắc tăng huyết áp vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Nhân dịp này, Viện Tim mạch Việt Nam đã tổ chức đo huyết áp, tư vấn sức khỏe miễn phí và cấp tờ rơi tuyên tuyền cho người dân xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.../.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội