Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn đáng báo động

25/05/2017 01:17 AM




Đặc biệt, đáng báo động là tình trạng thiếu kẽm trong cộng đồng. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỉ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Trong khi đó, kẽm là một vi chất dinh dưỡng rất cần cho quá trình tăng trưởng, tăng cường khả năng miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp…), tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào... Đặc biệt, thiếu kẽm còn làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em.

Lý giải nguyên nhân khiến tỉ lệ thiếu kẽm còn thấp, ThS-BS.Trần Khánh Vân- Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, vấn đề chính do khẩu phần ăn của người dân chưa cung cấp đủ nhu cầu cơ thể. Bên cạnh đó, thiếu kẽm thường gây ra những hậu quả rất âm thầm, không đặc trưng, nên thường chỉ biết đến sau khi chủ động thực hiện xét nghiệm huyết thanh. BS.Trần Khánh Vân nhấn mạnh, thiếu vi chất dinh dưỡng rất khó phát hiện và được coi là "nạn đói tiềm ẩn" ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó có trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là những đối tượng có nguy cơ cao.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như i-ốt, vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta vẫn khá cao. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vitamin A gây mù, tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ; thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, giảm khả năng lao động, học tập; thiếu i-ốt gây bệnh đần độn, trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng đến bào thai; thiếu folate gây dị dạng ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp…

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả, dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững, giúp giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Truyền thông và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Để thực hiện bổ sung vitamin A, Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay (1-2/6), Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã cấp 7.611.000 liều viên nang vitamin A (200 đơn vị và 100 đơn vị) cho gần 5 triệu trẻ từ 6- 36 tháng tuổi, 500.000 bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A tại 63 tỉnh, thành phố. Riêng 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỉ lệ đối tượng suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao còn được mở rộng đối với trẻ từ 37- 60 tháng tuổi (có 1.100.000 trẻ) và hoạt động tẩy giun sẽ được triển khai cho trẻ từ 26- 60 tháng./.




Nguồn: Theo Báo Bảo hiểm xã hội