Những chuyển biến sau 05 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

31/05/2017 07:35 AM




Tại Đắk Lắk, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh Ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 21-CTr/TU ngày 18/01/2013 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Chương trình, Kế hoạch số 4951/KH-UBND ngày 24/7/2013 thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU của Tỉnh Ủy Đắk Lắk về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Kế hoạch số 9097/KH-UBND ngày 16/12/2013 triển khai Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 05/3/2014 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến năm 2020 cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công văn số 1694-CV/TU ngày 23/6/2014 của Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá sau hơn một năm triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, theo đó chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Đây là hành lang pháp lý đầy đủ để các sở, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền các cấp, người lao động, đơn vị sử dụng lao động quan tâm phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Chính sách BHXH, BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội: Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng dần qua các năm, đến hết năm 2016 đã có 99.836 người tham gia, tăng 6.043 người so với năm 2012 (6,44%). BHXH tự nguyện đến hết năm 2016 có 1.591 người tham gia, tăng 889 người so với năm 2012 (126,63%); số người tham gia BHTN có xu hướng tăng, đến hết năm 2016 có 86.379 người tham gia, tăng 7.532 người so với năm 2012 (10%) và chiếm khoảng 86,52% số người tham gia BHXH bắt buộc.

Việc mở rộng và phát triển các nhóm đối tượng tham gia BHYT cơ bản thực hiện theo đúng lộ trình. Năm 2012 có 1.274.816 người có thẻ BHYT chiếm 70,93% dân số, năm 2015 có 1.387.667 người có thẻ BHYT chiếm 75,69% dân số, vượt 1,69% và năm 2016 có 1.454.315 người có thẻ BHYT chiếm 78,7% dân số, vượt 0,2% so với chỉ tiêu bao phủ BHYT Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk.

Nợ BHXH, BHYT được kiểm soát, giảm về số tiền và tỷ lệ nợ trên số phải thu so với năm 2015. Đến hết tháng 12/2016 số tiền nợ là 52,446 tỷ đồng chiếm 2,26% so với số phải thu (số nợ năm 2015 là 87,242 tỷ đồng, chiếm 4,05% so với số phải thu).

Công tác giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, đầy đủ; quyền lợi của người tham gia ngày càng mở rộng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn. Công tác giám định được tăng cường, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT và tạm ứng kinh phí kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, các cơ sở KCB đã triển khai tốt công tác KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ kỹ thuật cho người có thẻ BHYT đúng quy định. Quỹ BHYT qua 5 năm đã cân đối thu chi và có kết dư.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về thực hiện chế độ BHXH, BHYT từng bước được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm và nâng cao nhận thức của đơn vị sử dụng lao động và người lao động về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

Toàn ngành BHXH đẩy mạnh cải cách hành chính, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, các tổ chức, cá nhân được nhận kết quả giải quyết trong thời gian ngắn nhất, công khai số máy điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức cá nhân về các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, thủ tục hành chính về BHXH, BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, quản lý của ngành, trong quản lý và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, trong giám định và thanh toán chi phí KCB tại các cơ sở y tế, giao dịch hồ sơ qua mạng Internet và giao dịch điện tử, giao nhận hồ sơ qua dịch vụ Bưu điện, các đơn vị tham gia BHXH hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ không phải mất thời gian đi lại; thực hiện có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; duy trì và củng cố cơ chế “một cửa”, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính thụ động sang phục vụ. Nhìn chung về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân, rút ngắn được thời gian giải quyết, hạn chế sự chồng chéo trong quá trình giải quyết công việc.

Hội nghị sơ kết , đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

Một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo phát triển BHXH, BHYT ở địa phương, công tác triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với cơ quan BHXH trên địa bàn chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao (6 địa phương  có độ bao phủ BHYT dưới mức trung bình của tỉnh).

Số người tham gia BHXH mới đạt khoảng 9,09% lực lượng lao động  (trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 0,14% lực lượng lao động), số người tham gia BHXH bắt buộc mới đạt khoảng 85% thấp hơn so với quy định của Luật BHXH.

Tỷ lệ tham gia BHYT tuy có tăng, đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn thấp; một số đối tượng tỷ lệ tham gia còn thấp, điển hình như đối tượng học sinh, sinh viên hiện nay mới tham gia đạt khoản 83% trên tổng số học sinh thuộc diện phải tham gia BHYT tại nhà trường; đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đạt khoản 35% trên tổng dân thuộc diện vận động tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn hỗ trợ khác (quỹ BHYT kết dư), xét về lâu dài, khi nhóm ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ giảm do người dân thoát nghèo, thoát vùng khó khăn, thoát cận nghèo thì tỷ lệ tham gia BHYT thiếu tính bền vững.

Nợ BHXH, BHYT được kiểm soát, giảm về số tiền và tỷ lệ nợ trên số phải thu qua các năm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp để nợ đọng với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa tham gia BHXH, BHYTcho người lao động.

Chất lượng KCB nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhất là tuyến cơ sở. Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế chủ yếu là do một số địa phương chưa thật sự vào cuộc, chưa chỉ đạo quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, nhận thức của một số bộ phận người dân chưa đầy đủ, về trách nhiệm và quyền lợi gì khi tham gia BHXH, BHYT. Đối với BHXH tự nguyện, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên; thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, thường không ổn định, giai đoạn từ 2008 - 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân, chưa có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước; người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già; mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia.

Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN khó đạt được nếu không có sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, theo đó một số nhiệm vụ và giải pháp chính cần phải quan tâm thực hiện đó là:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT cho hộ gia đình làm nông, lâm ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; BHYT cho đối tượng chính sách …

Tiếp tục đề xuất để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, đảm bảo yêu cầu cân đối quỹ BHXH, BHYT, có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người dân có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT.

Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng, chống thất thu, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT…; tăng cường kiểm tra việc thực hiện đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, hướng  dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT đầy đủ, đúng thời gian theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm đối với hành vi trốn đóng nợ đọng BHXH, BHYT.

Tăng cường quản lý và giải quyết các chế độ BHXH đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người lao động, chống lạm dụng, thất thoát quỹ BHXH; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh và đảm bảo cân đối quỹ BHYT…

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, công tác BHXH và BHYT sẽ ngày càng phát triển tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân và BHXH cho mọi người lao động vì mục đích an sinh xã hội./.




Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ