Những khoảng trống trong tham gia bảo hiểm xã hội

08/06/2017 08:59 AM



Nhiều lao động trong ngành sản xuất, kinh doanh mây tre đan chưa được tham gia BHXH.
Ảnh: MINH VŨ

Khoảng trống BHXH trong nhiều ngành nghề

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về khoảng trống trong tham gia BHXH của ngành xây dựng và sản xuất, kinh doanh sản phẩm mây tre đan tại Việt Nam cho thấy: Trong ngành xây dựng, với khoảng ba triệu người lao động hưởng lương, mới chỉ có khoảng 6% số đó được tham gia BHXH; và trong khoảng hơn 300 nghìn người lao động hưởng lương trong ngành nghề sản xuất và kinh doanh mây tre đan, chỉ khoảng 20% số đó được tham gia BHXH.

Chuyên gia tư vấn của ILO C.P.Bi-xta cho biết: Ðây là hai ngành nghề có độ bao phủ BHXH còn thấp tại Việt Nam, nhất là tỷ lệ tham BHXH đối với lao động tham gia trực tiếp trong ngành xây dựng quá thấp, nếu không muốn nói là bằng "không". Còn đối với ngành mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, với tính chất đối tượng lao động chủ yếu thuộc các hộ trong làng nghề truyền thống, làm việc cho hợp tác xã, các hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…, cũng là nguyên nhân chính của tình trạng tham gia BHXH thấp.

Quan trọng hơn, thông qua nghiên cứu này, ILO chỉ ra các phát hiện chính từ phía chủ sử dụng lao động và người lao động. Ðối với ngành xây dựng, về phía nhà thầu, chủ sử dụng lao động chỉ thích sử dụng nhân công tạm thời thông qua hợp đồng lao động "miệng", trả thù lao theo ngày công với số lượng có hạn lao động chính làm việc lâu dài. Theo quan điểm của các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp này, chỉ những người lao động cơ hữu lâu dài mới được doanh nghiệp ký hợp đồng và mua bảo hiểm. Doanh nghiệp tăng sử dụng các hợp đồng trọn gói (sẵn sàng chịu điều chỉnh về thuế thu nhập, nhưng không chịu sự điều chỉnh về thuế BHXH) để đáp lại các đòi hỏi của cơ quan thuế về giấy tờ chứng minh chi phí lao động để tính toán thuế doanh nghiệp… Còn với ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm mây tre đan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có sự phân biệt giữa người lao động cơ hữu và người lao động thuộc loại khác; đối tượng lao động tại nhà được xem là hoàn toàn độc lập, không liên quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng chưa buộc phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ về các chế độ báo cáo thuế doanh nghiệp cho nên chủ yếu sử dụng hợp đồng "miệng" đối với người lao động… Trong khi đó, người lao động thì không có hứng thú tham gia BHXH, do họ có nhu cầu lớn về bảo đảm thu nhập trong ngắn hạn hơn là các khoản lợi ích an sinh xã hội, và họ không thể chắc chắn có đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu…

Từ nghiên cứu thực tế hai ngành nêu trên, có thể thấy, đây cũng là thực tế của nhiều ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp... tại Việt Nam. Với khu vực lao động phi chính thức, con số tham gia BHXH đặc biệt thấp.

Giải pháp nào để mở rộng đối tượng?

Tại hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu khoảng trống trong tham gia BHXH ở một số ngành tại Việt Nam, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cho biết: Mở rộng độ bao phủ BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Mà nội hàm của mở rộng diện bao phủ được đánh giá bởi hai chỉ tiêu, gồm: Ðối tượng tham gia là số người tham gia BHXH trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và đối tượng hưởng là số người hưởng lương hưu trên tổng số người sau độ tuổi hưởng lương hưu.

Với tiêu chí này, theo tính toán, Việt Nam có diện bao phủ BHXH theo chuẩn quốc tế còn rất thấp. Hiện nay, tại Việt Nam, số lượng người tham gia BHXH mới đạt gần 13,5 triệu người, chiếm khoảng 27,3% lực lượng lao động xã hội và có khoảng ba triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội hằng tháng trên tổng số khoảng 11 triệu người về hưu, hơn 55 tuổi đối với nữ và hơn 60 tuổi đối với nam về hưu, mới đạt khoảng 30%.

Trong khi đó, chủ trương, chính sách và pháp luật về BHXH đã hoàn toàn đầy đủ và bao trùm. Luật BHXH năm 2014 quy định về việc tham gia chính sách BHXH đã bao phủ tới mọi người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên. Lý giải việc vẫn còn khoảng trống rất lớn trong triển khai chính sách, chuyên gia an sinh xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Diệu Hồng, cho rằng: Ðối với chính sách BHXH bắt buộc mức độ tuân thủ tham gia BHXH của các doanh nghiệp không cao, tình hình nợ tiền BHXH còn lớn, nhất là với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ðặc biệt, xu hướng cho hưởng BHXH một lần dẫn đến mất hiệu lực bao phủ, độ bao phủ bị thu hẹp, không đạt được mục tiêu "khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân". Chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, không thu hút sự tham gia của người dân, vì không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt là chế độ thai sản và tai nạn lao động, mới chỉ có hưởng chế độ hưu trí và tử tuất... Hiện, chính sách vẫn thiếu sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; thiếu sự gắn kết giữa các chế độ trong một hệ thống an sinh xã hội...

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Diệu Hồng, để nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong tham gia BHXH, cần tìm giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng lao động, nhất là các nhóm đối tượng thuộc khu vực phi chính thức. Ðặc biệt, phải phát triển hệ thống BHXH đa tầng với sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện, chủ yếu dựa trên đóng góp của người dân có sự hỗ trợ và bảo đảm của Nhà nước. Và trên những cơ sở nghiên cứu thực tế, cần sửa đổi pháp luật và chính sách phù hợp trong thời gian tới để bảo đảm chính sách an sinh xã hội tới được mọi người dân./.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết ngày 30-4-2017, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,15 triệu người; BH thất nghiệp là 11,23 triệu người, BHXH tự nguyện là 237 nghìn người và bảo hiểm y tế là 76,27 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số.



Nguồn: Báo Nhân dân điện tử