Mùa nắng nóng đề phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ

13/06/2017 12:59 AM




Sau bữa ăn tối, bé Lê Triệu Vỹ, hơn 3 tuổi, ở khối 9, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột bỗng nhiên nôn ói và kéo dài suốt đêm, gần sáng còn  đi tiêu phân lỏng. Lo lắng, gia đình đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây bé được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tiêu chảy cấp và chuyển vào điều trị tại khoa Nhi tổng hợp. Sau 3 ngày điều trị, hiện tại tình trạng của bé Vỹ đã tốt lên, vẫn đi tiêu phân lỏng nhưng không còn nôn ói.

Tương tự, bé Phạm Phúc Khang, hơn 8 tháng tuổi ở thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin cũng nhập viện trong tình trạng sốt cao và nôn ói nhiều, đi tiêu phân lỏng. Ba của bé Khang cho biết: “Tối 5-6, thấy con sốt cao và nôn ói nhiều, trong khi ban ngày vẫn chơi, ăn uống bình thường, vợ chồng tôi lo quá nên đưa thẳng cháu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ tạm chẩn đoán cháu bị kiết lỵ và chỉ định cho cháu làm xét nghiệm phân để có kết quả chính xác”.

Một em bé bị tiêu chảy đang điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo thống kê của Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong ngày 6-6, khoa hiện đang điều trị khoảng 40 trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa. Trong đợt này, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhi từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn ói và đi tiêu phân lỏng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra nhiều hơn vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Nguyên nhân do thời tiết khô nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển và cũng là thời điểm trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh (thức ăn, nước uống không được chế biến, bảo quản tốt dễ bị nhiễm khuẩn) nhiều hơn. Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm theo các triệu chứng: nôn, mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng tránh bệnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo: các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống vắc xin ngừa tiêu chảy do vi rút Rota khi trẻ từ 6 tuần tuổi để tăng cường khả năng phòng bệnh. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ có nhiều kháng thể có thể chống lại được nhiều bệnh. Với các trẻ trong độ tuổi ăn dặm hoặc trẻ lớn phải giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi. Ngoài ra, phụ huynh cần phải chú ý vệ sinh trong ăn uống, sử dụng nguồn nước sạch, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ. Nếu trong gia đình hoặc xung quanh có người đang mắc bệnh cần cách ly trẻ với người bệnh, tránh nguy cơ lây lan. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh phải đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Trước quan niệm của nhiều bậc phụ huynh kiêng cho trẻ ăn đồ ăn tanh, nhiều đạm… thậm chí chỉ cho trẻ ăn cháo trắng, bác sĩ Minh lưu ý, trong thời gian trẻ bị bệnh vẫn cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, thức ăn phải được chế biến mềm để trẻ dễ tiêu hóa và chia nhỏ các bữa ăn, tránh các món ăn có nhiều dầu mỡ./.




Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử