Nhìn lại công tác bảo hiểm y tế học sinh năm học 2016 - 2017 tại Đắk Lắk

20/06/2017 03:26 AM



Hội nghị triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2016-2017

Thực trạng học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT

Năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 613 trường có học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT tại nhà trường với tổng số 177.194 HSSV, đạt tỷ lệ 83% trên tổng số HSSV thuộc diện tham gia BHYT, tăng 3% so với năm học 2015-2016 (nếu tính cả số HSSV thuộc diện chính sách được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT tỷ lệ tham gia BHYT đạt 89,65% trên tổng số HSSV toàn tỉnh). Một số đơn vị có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT cao như các huyện Ea H’leo 96%, Krông Búk 92%, Lắk 91%, M’Đrắk, Krông Ana 89%, Krông Bông 86%..., số đơn vị có số học sinh tham gia BHYT đạt tỷ lệ thấp dưới mức bình quân của toàn tỉnh như các huyện Buôn Đôn 71%, Ea Súp 73%, Cư Kuin, Cư M’gar và Ea Kar 76%, Krông Pắk 77% và thị xã Buôn Hồ 80%... Điều đáng quan tâm hơn là chính sách BHYT đang đi dần vào cuộc sống của mọi người dân, BHYT học sinh đã vươn tới các xã, phường, thị trấn, vùng khó khăn trên khắp địa bàn tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện chính sách BHYT đã dần trở thành quen thuộc với nhà trường, mỗi giáo viên, phụ huynh và các em HSSV.

Tuy nhiên, vẫn còn gần 20% số HSSV thuộc diện tham gia BHYT tại nhà trường nhưng chưa tham gia BHYT, thậm chí một số trường không có học sinh tham gia BHYT hoặc chỉ có một vài em tham gia, chưa thực sự đảm bảo “ lấy số đông khoẻ mạnh bù cho số ít rủi ro ốm đau”, nhiều trường hợp đợi đến khi ốm đau, chi phí quá tốn kém mới xin mua thẻ BHYT gây không ít khó khăn cho nhà trường và cơ quan BHXH … .Đa số các em HSSV chưa tham gia BHYT thuộc hộ gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình làm nông có mức sống trung bình và hộ gia đình mới thoát vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ, nơi mà các em rất cần được chăm sóc và giáo dục sức khỏe nhưng không có khả năng đóng góp để tham gia BHYT.

Công tác khám chữa bệnh (KCB)

Cùng với việc vận động và phát triển đối tượng HSSV tham gia BHYT, quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT cũng ngày càng được mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, việc thông tuyến huyện là điều chỉnh mang tính đột phá của Luật BHYT sửa đổi, được sự đồng tình của người có thẻ BHYT và toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi đi KCB, nhất là HSSV khi có nhu cầu  KCB trong dịp nghỉ hè.

Trong năm 2016 đã có 148.278  lượt HSSV được khám chữa bệnh, tỷ lệ 0,83 lần/thẻ,  với tổng chi phí  là 31.871.437.718  đồng. Trong đó:

- Tại bệnh viện: ngoại trú 133.147 lượt, với chi phí 13.551.021.095 đồng, bình quân một lượt KCB là 101.774 đồng; nội trú 12.973 lượt, với chi phí 13.350.767.863 đồng, bình quân một đợt điều trị nội trú là 1.029.120 đồng;

- Chi thanh toán trực tiếp 40 trường hợp với số tiền là 38.303.769 đồng.

- Chi thanh toán đa tuyến cho 2.118 trường hợp chuyển lên tuyến Trung ương và tỉnh ngoài điều trị với tổng chi phí 4.931.344.991 đồng; trong đó: ngoại trú là 1.332 lượt, chi phí 820.459.547 đồng, bình quân một lượt ngoại trú là 615.960 đồng; nội trú là 786 lượt, chi phí là 4.110.885.444 đồng, bình quân một lượt điều trị là 5.230.134 đồng; theo đó có nhiều trường hợp học sinh bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã được quỹ BHYT thanh toán, điển hình như em Đặng Thị Phượng, trường THCS Phú Lộc huyện Krông Năng: 168.709.320 đồng; em Lê Phạm Trung Nguyên trường Tiểu học Trần phú, thành phố Buôn Ma Thuột: 149.559.613 đồng; em Y Dim Êban, trường tiểu học Nguyễn Du huyện Cư M’gar: 148.080.545 đồng; em Phạm Tường Vy, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm huyện M’Đrắk: 84.467.739 đồng; em Trương Nguyễn Trà My, trường THPT Krông Ana, huyện Krông Ana: 67.780.926 đồng; em Trần Đình Trung, trường THPT Nguyễn Văn Cừ , huyện Krông Búk: 62.754.993; em Tống Viết Nhật, trường THCS Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn: 59.706.318; em Nguyễn Trương Thanh Thuận, trường THCS thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk: 58.237.430 đồng…

Công tác y tế trường học (YTTH)

BHYT học sinh tại tỉnh Đắk Lắk bắt đầu thực hiện từ năm 1995 và đã nhanh chóng mở rộng đến hệ thống trường học trong toàn tỉnh. Với mục tiêu thực hiện chính sách xã hội trong khám, chữa bệnh (KCB), duy trì và phát triển mạng lưới YTTH, phục vụ giáo dục thể chất, hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường, phòng chống các tệ nạn xã hội  và chăm sóc sức khoẻ cho HSSV tại trường học. Một trong những ưu điểm nổi bật của BHYT học sinh là đã dành một phần kinh phí để thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV ngay tại trường học. Quỹ BHYT học sinh đã huy động một nguồn tài chính quan trọng giúp các nhà trường khôi phục, xây dựng và phát triển mạng lưới YTTH.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, BHXH tỉnh đã trích hơn 9,8 tỷ đồng để các trường thực hiện công tác CSSKBĐ cho HSSV. Tại các trường này đã bố trí nơi làm việc, có y, bác sỹ hoặc cán bộ kiêm nhiệm đảm nhận công tác chuyên môn, có tủ thuốc thông thường, túi thuốc cấp cứu, giường bệnh... Ngoài ra, cũng với nguồn kinh phí này nhà trường cũng đã phối hợp với cơ sở y tế các huyện, thị xã, thành phố, khám tổng quát cho HSSV về các chuyên khoa tai, mũi, họng, răng, hàm mặt, kiểm tra công tác vệ sinh học đường, tuyên truyền phòng chống dịch, giáo dục cho các em xử lý các vết thương tai nạn thông thường trong thời gian học tập tại trường.

Thực tế công tác BHYT học sinh đã góp phần thiết thực đẩy mạnh công tác hoạt động CSSKBĐ ở một số trường học, chất lượng, phòng bệnh, khám chữa bệnh cho HSSV ngày càng được nâng cao, qua đó nhiều em đã được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, các bậc phụ huynh đã yên tâm hơn khi con em họ đến trường.

Qua thực tế, chúng ta có thể thấy vai trò của BHYT HSSV đối với hoạt động của hệ thống YTTH trong thời gian qua là rất quan trọng và được đánh giá rất cao. Tuy nhiên xét trên bình diện tổng thể thì cho đến nay vẫn còn một số  trường không đủ điều kiện tổ chức YTTH, mặt khác còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, con người nên chưa đáp ứng được yêu cầu để phát triển YTTH và đảm đương nhiệm vụ CSSKBĐ cho HSSV, đó cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút HSSV tham gia BHYT.

Xuất phát từ tình hình trên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác YTTH và BHYT HSSV, nhằm tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm bớt một phần khó khăn và khuyến khích số người tham gia BHYT ngày càng nhiều, đặc biệt là đối tượng HSSV, ngoài việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT để cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, mọi người dân, các bậc phụ huynh và HSSV nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người tham gia BHYT, trong thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT trong đó có HSSV, tạo điều kiện cho những em ở vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hưởng chính sách BHYT theo quy định của Chính phủ được tham gia BHYT; các bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan, quan tâm đến việc tăng cường cơ sở vật chất như phòng YTTH, các dụng cụ y tế..., con người cho các trường học nhất là ở vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao chất lượng phòng bệnh, KCB cho HSSV ngay tại nhà trường thu hút ngày càng nhiều HSSV tham gia BHYT nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình khi các em không may ốm đau, bệnh tật nhất là hiện nay giá dịch vụ y tế đang tăng theo lộ trình, nếu người bệnh không có thẻ BHYT sẽ phải chịu thêm “gánh nặng” thậm chí rất dễ rơi vào “bẫy nghèo”.

Chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là giải pháp hiệu quả, góp phần thực hiện chiến lược con người của Đảng và Nhà nước. Thông qua BHYT học sinh, một mặt xã hội có điều kiện chăm lo sức khoẻ cho các em theo nguyên tắc “số đông bù số ít”, mặt khác giáo dục cho các em ý thức cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái mang đậm truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam ./.




Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và Thu nợ