Bảo hiểm y tế - 25 năm một chặng đường

27/06/2017 08:31 AM


Trong khi đó, chi phí cho việc KCB ngày càng tăng do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật y tế, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền trong chẩn đoán và điều trị. Mặc dù, đầu tư của Nhà nước cho y tế tăng nhanh nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được từ 50-54% nhu cầu chi phí thực tế của ngành Y tế. Thực hiện chủ trương đổi mới trong lĩnh vực y tế với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và để bổ sung nguồn kinh phí, giảm bớt sức ép căng thẳng cho các cơ sở KCB, ngày 24/4/1989 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 45/HĐBT cho phép các cơ sở khám chữa bệnh thu một phần viện phí. Việc thực hiện Quyết định số 45/HĐBT bước đầu đã giảm bớt khó khăn về kinh phí cho các cơ sở KCB, nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng tăng của nhân dân: Đối tượng miễn giảm nhiều, người phải nộp viện phí chủ yếu là dân cư nông thôn, người lao động tự do ở thành thị; số thu từ viện phí không đáng kể đòi hỏi phải có phương thức huy động nguồn tài chính phục vụ KCB phù hợp;

Trong hoàn cảnh đó, một số địa phương đã mạnh dạng tháo gỡ những khó khăn trong công tác KCB bằng cách vận động, quyên góp trong nhân dân dưới nhiều hình thức khác nhau, để có thêm nguồn tài chính phục vụ nhu cầu KCB của nhân dân: Sông thao (Phú Thọ), Krông Bông (Đắk Lắk) - đây là việc làm tự phát, hướng tới bảo hiểm y tế (BHYT) sau này.

Đầu năm 1989, được sự đồng ý và chỉ đạo của Bộ Y tế, một số địa phương đã tiến hành thực hiện thí điểm BHYT trên phạm vi khác nhau: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Trị;

Theo đề nghị của Bộ Y tế, ngày 26/10/1990 Hội đồng Bộ trưởng đã có văn bản số 3504/KG, đồng ý để các địa phương được tiến hành triển khai thực hiện thí điểm  BHYT;

Bộ Y tế đã thành lập Ban dự thảo Pháp lệnh BHYT để giúp Bộ chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm, làm đầu mối phối hợp cùng các cơ quan xúc tiến việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh;

Thí điểm BHYT với thời gian chưa nhiều, diện chưa rộng, nhưng những kết quả bước đầu đã chứng tỏ đó là một hướng đi mới, không chỉ tạo thêm nguồn tài chính mà còn tạo điều kiện để từng bước cải biến hệ thống khám chữa bệnh cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới, theo hướng chất lượng và hiệu quả. Những kết quả bước đầu cho thấy: BHYT không chỉ phù hợp với các nước phát triển, mà là biện pháp quan trọng để huy động nguồn tài chính phục vụ cho công tác KCB trong điều kiện, hoàn cảnh nước ta;

Ngay từ đầu năm 1992, khi Quốc hội sửa đổi hiến pháp, mặc dù chính sách về BHYT chưa được ban hành, nhưng đã được đưa vào quy định tại điều 39:...“thực hiện BHYT, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ”, đó là cơ sở hết sức quan trọng để Dự thảo pháp lệnh BHYT được triển khai thuận lợi;

Tại phiên họp từ ngày 25 đến 28/5/1992, Hội đồng Nhà nước đã tiến hành xem xét Dự án Pháp lệnh BHYT do Hội đồng Bộ trưởng trình bày. Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Y tế và Xã hội, ý kiến của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, hội đồng Nhà nước đã nhận xét: “Trong điều kiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, để đảm bảo công bằng và nhân đạo xã hội trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ nhân dân, việc thực hiện bảo hiểm y tế là cần thiết nhằm động viên khả năng đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm mới ở nước ta, hội đồng Bộ trưởng và các Uỷ ban hữu quan của Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng thí điểm, tiến hành tổng kết kinh nghiệm và tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để có cơ sở để tiếp tục hoàn thiện dự án Pháp lệnh này”;

Theo đề xuất của Ban dự thảo Pháp lệnh BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trình Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) để chuyển sang xây dựng Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ BHYT;

Hội đồng Bộ trưởng chấp thuận, đến đầu tháng 8 năm 1992 dự thảo Nghị định đã hoàn chỉnh. Ngày 15/8/1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký ban hành Nghị định số 299/HĐBT.

BHYT là một chính sách xã hội mới ở nước ta, cũng như các quốc gia khác, BHYT ở nước ta nhằm thực hiện các mục tiêu sau:

- Một là: Tạo nguồn kinh phí để bổ sung cho nguồn ngân sách hạn hẹp cấp cho hệ thống y tế nhà nước. Huy động sự đóng góp của chủ sử dụng và người lao động để hình thành quỹ tập trung của BHYT, nguồn quỹ này được sử dụng cùng với nguồn ngân sách cấp cho các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng KCB cho người tham gia BHYT;

- Hai là: Giảm bớt gánh nặng về tài chính cho người lao động khi bị bệnh  nặng phải sử dụng các dịch vụ y tế có chi phí cao, thông qua việc chi trả trước qua quỹ BHYT;

- Ba là: Góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ, thông qua tái phân phối thu nhập qua mức đóng BHYT theo phần trăm (%) trên thu nhập;

Mặc dù bước đầu gặp khó khăn nhưng sau 2 năm tổ chức thực hiện Nghị định 299 về BHYT được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, của các ngành từ trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế, hoạt động BHYT đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống tổ chức BHYT từ Trung ương đến địa phương đã hình thành, bao gồm 59 cơ quan BHYT (53 tỉnh, thành phố, 4 BHYT các ngành Giao thông, Dầu khí, Cao su, Than, BHYT Việt Nam và chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh) . Năm 1995 đã phát hành được 7,1 triệu thẻ BHYT, trong đó gần 4,9 triệu thẻ BHYT bắt buộc và trên 2,2 triệu thẻ BHYT tự nguyện (chủ yếu là học sinh, sinh viên), với tổng nguồn thu khoảng 400 tỷ đồng, khám chữa bệnh cho 10 triệu lượt người có thẻ BHYT. Toàn quốc đã có trên 2.100 cơ sở điều trị thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan BHYT (trong đó, tuyến Trung ương là 33, tuyến tỉnh là 203, tuyến huyện là 540, cơ sở y tế là 79, cơ sở y tế lực lượng vũ trang là 22 và trên 1.200 phòng khám đa khoa khu vực và phòng khám của cơ quan đơn vị). Việc quản lý BHYT do BHYT Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế; BHYT các địa phương trực thuộc Sở  tế và BHYT ngành quản lý thực hiện. Trong giai đoạn này, chính sách BHXH, BHYT đã có nhiều sửa đổi, bổ sung và cải cách phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội

Ảnh minh họa
Những thành tựu

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với sự phát triển của đất nước, chính sách BHYT vừa được ban hành càng có điều kiện thực hiện tốt hơn. BHXH Việt Nam ra đời từ sự thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động có chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức chi BHXH, thu BHXH, giải quyết chế độ chính sách, bảo toàn, đầu tư tăng trưởng quỹ. Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy của Chính phủ, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam và Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 6/12/2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Từ thời điểm này, ngoài việc đảm bảo thực hiện các chế độ BHXH, BHXH Việt Nam còn được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia với mục tiêu chủ yếu là: Từng bước mở rộng và tăng nhanh đối tượng tham gia BHYT nhằm bảo vệ những rủi ro, bảo vệ cuộc sống của cán bộ công chức, quân nhân và người lao động; đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng; tổ chức thu, quản lý, sử dụng quỹ BHYT cú hiệu quả, bảo đảm chi trả kịp thời các chế độ BHYT đúng quy định, đúng đối tượng; xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Ngành có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng. Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ chính trị, ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ đối tượng của đội ngủ cán bộ công chức, viên chức.

Đảm bảo chi kịp thời, đúng, đủ, thuận tiện cho đối tượng tham gia bảo BHYT

Một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng hàng đầu của BHXH là quản lý quỹ BHXH, BHYT và thực hiện chi trả trợ cấp BHXH, BHYT và chi phí KCB kịp thời, đúng quy định của pháp luật nhằm giúp người lao động và đối tượng hưởng chính sách nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn khi gặp rủi ro, góp phần ổn định cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

Từ năm 2002, BHYT Việt nam chuyển giao về BHXH Việt Nam, công tác chi KCB cho người tham gia BHYT cũng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo thực hiện đúng Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ. Mặc dù Điều lệ BHYT còn nhiều điều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ban ngành, đoàn thể kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tốt hơn nữa quyền lợi cho người tham gia BHYT, ngoài việc ứng tiền trước hàng quý cho các cơ sở KCB, cơ quan BHXH còn thực hiện thanh toán đầy đủ, kịp thời cho các cơ sở y tế; không thụ động trong việc cung cấp tài chính cho các cơ sở KCB mà BHXH Việt Nam còn chủ động đề xuất với Bộ Y tế để ban hành một số văn bản nhằm mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, góp phần giải quyết một phần bức xúc, vướng mắc trong công tác KCB cho đối tượng có thẻ BHYT. Số chi BHYT cụ thể năm 2003 là 1.179 tỷ đồng, năm 2016 là: 69.400 tỷ đồng. Số lượt người KCB ngoại trú và điều trị nội trú tăng nhanh qua các năm. Năm 2003 có 23.496.132 lượt người KCB, năm 2016 có 144 triệu lượt người.

Nhìn chung, trong những năm qua công tác chi cho đối tượng hưởng BHYT đã thực hiện tốt, luôn luôn cải tiến để đảm bảo phục vụ đối tượng ngày càng tốt hơn, thực hiện tốt mục tiêu của BHYT là đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu nứơc mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tiến tới BHYT toàn dân

Mở rộng đối tượng, tăng nhanh số người tham gia BHYT là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong nội dung đổi mới chính sách BHYT nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội, tiến tới thực hiện BHYT cho toàn dân.

Từ năm 1995, thực hiện đổi mới trong hoạt động BHYT, phạm vi, số lượng đối tượng bắt buộc tham gia BHYT theo quy định của pháp luật đã từng bước mở rộng đến mọi người lao động trong các thành phần kinh tế; loại hình BHYT tự nguyện cũng đã được pháp luật quy định nhằm tiến tới BHYT cho toàn dân.

Năm 2004, có 5,7 triệu người tham gia BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện 69,2 triệu người, năm 2016 có 75,9 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc 81,7%.

Với kết quả trên, đã chứng minh thành công của việc chuyển đổi cơ chế thực hiện chính sách BHYT từ bao cấp, mọi khoản chi chủ yếu do Ngân sách Nhà nước đài thọ sang cơ chế thành lập quỹ BHYT hạch toán độc lập với Ngân sách Nhà nước.

Nay nói đến BHYT mọi người không chỉ hiểu là chính sách xã hội mà BHYT đã tạo ra nguồn tài chính quang trọng cho công tác KCB, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, BHYT là một chính sách lớn, trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng, Chính phủ, là loại hình bảo hiểm đặc biệt, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã ghi: “Kết hợp phát triển y tế nhà nước với y tế tư nhân; thực hiện BHYT, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khoẻ”. Đây là định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Luật BHYT đã quy định trách nhiệm tham gia BHYT của các nhóm đối tượng theo lộ trình và kể từ ngày 01/01/2014 là thời điểm được xem là tất cả các công dân Việt Nam đều có trách nhiệm tham gia BHYT.

Sau 25 năm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHYT đã bao phủ 81,7% dân số trong toàn quốc, trong đó người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác KCB, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.

Mặc dù kết quả thực hiện Luật BHYT là rất quan trọng, song với tỷ lệ 81,7% dân số trong toàn quốc tham gia BHYT tại thời điểm năm 2016 cho thấy thách thức để tiến tới BHYT toàn dân là rất lớn. Kinh nghiệm thực hiện BHYT trong thời gian qua cho thấy, mặc dù đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, các định hướng chính sách tài chính y tế được xác định nhất quán và rõ ràng, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh và tăng cường, những kết quả tích cực và rất quan trọng của chính sách BHYT đã được khẳng định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến việc tham gia BHYT của các đối tượng có trách nhiệm theo quy định.

Những yếu tố liên quan đến việc tham gia BHYT là điều kiện về kinh tế-xã hội, sự hoàn thiện và tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật, cách thức tổ chức thực hiện, sự đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hệ thống KCB, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quyền lợi, vai trò và trách nhiệm thực thi luật BHYT, theo đó phải có những giải pháp đồng bộ và cụ thể, cách thức triển khai mạnh mẽ, phù hợp với từng thời điểm phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị mới đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân./.



Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ