Nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển BHYT ở nước ta

30/06/2017 07:30 AM




I. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ sức khỏe và việc kế thừa, phát triển


Chứng kiến nỗi thống khổ của người dân mất nước, sống kiếp nô lệ, lầm than; đồng thời qua thực tiễn bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đúc rút một luận điểm quan trọng, đó là: Độc lập dân tộc phải đưa tới tự do-hạnh phúc cho con người. Đây là nội dung căn bản nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chi phối mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu cho sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đói nghèo, bệnh tật. Là người có tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Cách mạng vừa thắng lợi, thù trong giặc ngoài rình rập, mọi việc còn ngổn ngang trăm mối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát động phong trào đời sống mới, khởi xướng phong trào “Khỏe vì nước”. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”.

Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đồng chí chỉ huy quân đội, các cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, trẻ em, người nghèo ở vùng xa xôi hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy, quan niệm về sức khỏe của Người bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người định nghĩa: “Ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Các chuyên gia hàng đầu ngành Y tế nước ta cho rằng, nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Ngay trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ cũng đã nói: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.   

Thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ đổi mới, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân  được Quốc hội nước ta thông qua ngày 30/06/1989, đã nêu rõ ngay trong lời mở đầu: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều kiện cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; và xác định: “Bảo vệ sức khỏe là sự nghiệp của toàn dân. Tất cả công dân có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân để giữ gìn sức khỏe cho mình và cho mọi người”.

Trước những vấn đề đặt ra trong bối cảnh xóa bỏ bao cấp, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/01/1993 về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tiếp tục nhấn mạnh những quan điểm cơ bản: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khỏe (nhà nước, tập thể, nhân dân) trong đó y tế Nhà nước là chủ đạo, tận dụng mọi tiềm năng sẵn có trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế”. Những quan điểm này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó là sự tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng của Người trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng.

Từ quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về sức khỏe - nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi trong đấu tranh cách mạng, kháng chiến, xây dựng đời sống, Đảng ta đã khái quát, phát triển, nâng lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là nền tảng tư tưởng quan trọng định hướng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm cho phù hợp thực tiễn đất nước trong giai đoạn mới, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ gìn, bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng - Đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác BHYT.

II. Coi trọng y học dự phòng và ý thức tự giữ gìn, rèn luyện, bảo vệ sức khỏe

Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề y học dự phòng. Người đã từng nhắc nhở “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh”. Có lúc Người còn nói “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Quan điểm về y học dự phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất toàn diện. Để chống lại bệnh tật, ốm đau, Người đặc biệt quan tâm từ những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, hố xí vệ sinh, diệt ruồi, muỗi. Người nhấn mạnh “Vệ sinh là yêu nước”. Ở đây khái niệm “vệ sinh” của Người bao hàm rất rộng, rất đầy đủ. Người thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Người nói: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 05 lời dạy của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Bác cũng nói: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà và dũng cảm”.

Bất cứ ở đâu, đến đâu Bác cũng rất chú ý đến việc tổ chức đời sống trật tự, vệ sinh. Năm 1964, trong Hội nghị Chính trị đặc biệt họp tại Thủ đô Hà Nội, khi đề cập đến công tác y tế, Bác Hồ đã nhắc Giáo sư Nguyễn Xuân Huyên, Viện trưởng Viện Mắt: “Các cô, các chú chưa chú ý tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng các bệnh mắt sâu rộng hơn nữa”.

Một lần về thăm Bệnh xá Vân Đình, lá cờ đầu của ngành Y tế, Bác cùng Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đến bất ngờ, không báo trước. Bác đi thăm các buồng bệnh, nhà bếp, nhà trẻ, khu tập thể và Bác rất hài lòng. Sau khi khen ngợi, động viên lãnh đạo, nhân viên, Bác thân mật căn dặn: “Phải đặc biệt chú trọng việc phòng bệnh, tuyên truyền, giải thích cho đồng bào xung quanh nhà trường và trong huyện biết cách giữ gìn vệ sinh và làm cho mỗi người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho họ và gia đình họ”. Bác nhắc: “Trong công tác phục vụ cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần, có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt”.

Chứng kiến sự quan tâm và những lời nói, việc làm hết sức giản dị, thiết thực của Bác đối với cuộc sống, sức khỏe nhân dân, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong Trường ca “Theo chân Bác” (tháng 01/1970): “Bác vẫn đi kia... giữa cánh đồng/Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông/Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm /Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong”....

Do luôn ý thức rèn luyện, giữ gìn, tự bảo vệ sức khỏe, cho nên dù hoạt động cách mạng ở nhiều nước, trong những điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn, hy sinh, bệnh tật hiểm nghèo, nhưng Bác đã có sức làm việc ít người bì được. Ngay cả những năm tuổi cao, những ngày tháng cuối cùng, tinh thần của Bác vấn rất sáng suốt. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” cũng đã từng viết: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”…

Trong đời sống hàng ngày, Bác ăn uống thanh đạm, mặc giản dị, làm việc điều độ, lạc quan cách mạng, tác phong khẩn trương mà thư thái, ung dung: “Việc quân, việc nước đã bàn/Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau” (Vô đề, HCM, 1950).  Bác luôn chủ động và bền bỉ rèn luyện thân thể, trong mọi hoàn cảnh, từ lúc còn trẻ cho đến khi tuổi đã cao. Trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, Bác làm thơ tự an ủi, động viên và bày tỏ niềm lạc quan cách mạng, một giải pháp hiệu quả rèn luyện tinh thần, ý chí của người chiến sĩ cộng sản. Những vần thơ đầy xúc cảm của nhà thơ Tố Hữu đã ra đời từ những tư liệu lịch sử: “Lại thương nỗi: đọa đày thân Bác/Mười bốn trăng tê tái gông cùm /Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc/Mà thơ bay... cánh hạc ung dung!” (Tố Hữu, Theo chân Bác, 1970).

Nhiều tư liệu lịch sử ghi chép lại, trong cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nào, trong lao tù của kẻ thù, hay có những lúc bị bệnh tật hành hạ Bác vẫn kiên trì luyện tập. Bác đã tập thể dục tay không, thể dục với dụng cụ (đá cuội, chày gỗ, dây chun, giầy vải…), tập chạy, nhẩy, đi bộ, leo núi, bơi và tắm nước lạnh, đánh bóng, cưỡi ngựa, luyện thái cực quyền và một số bài võ, xoa bóp và tập thở…

Các đồng chí ở gần Bác đã từng kể lại những mẩu chuyện sâu sắc về ý chí, tinh thần rèn luyện sức khỏe của Người. Ở Côn Minh (Trung Quốc), sáng nào Bác cũng tập chạy trên đê, dưới rặng thông, hoặc đi bộ một vòng quanh thành phố. Ở Xì Xuyên, ngày nào Bác cũng dậy từ tinh mơ để luyện tập, leo núi rồi xuống suối tắm, bà con trong vùng rất kính phục. Khi ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng ở Liễu Châu, người Bác gầy yếu, xanh xao, răng rụng, mắt kém, chân tê liệt, Bác đã quyết tâm khổ luyện, từ tập đứng, tập đi, tập chạy, tập thái cực quyền, leo lên núi Tây Phong Lĩnh, bơi trên sông Liễu Giang; tập nhìn vào bóng tối và ánh sáng để chữa cho kỳ khỏi bệnh. Có lần, khi Bác gần 60 tuổi, lúc còn kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, Bác đi ô tô đến cách cầu Thủy Khẩu 7 km, Bác xuống xe gọi cán bộ trong đoàn chạy ra thăm cầu. Cả lượt đi và về, người dẫn đầu vẫn là Bác…

Trong quan điểm về y học dự phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao thể lực của con người. Đây chính là phương châm y học dự phòng tích cực và chủ động nhất. Bác vận động toàn dân phải thường xuyên rèn luyện thân thể, tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Khi khuyên đồng bào tập thể dục, Bác nói, vị Chủ tịch nước cũng xin hứa “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. Không những tập thể dục mà Người còn tắm nước lạnh, trèo núi, đánh bóng chuyền, tập võ…

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã nói: “Sức cảm hóa trong những lời dạy của Hồ Chủ tịch không chỉ vì đó là chân lý mà “cách sống của Người là “một chỉ thị sống” về phòng bệnh, về ý chí kiên trì phấn đấu để giữ gìn và tăng cường sức khỏe, để có thể đem hết mình cống hiến cho Tổ quốc”.

Tác giả Vũ Kiên, trong bài viết “Những lời nói và việc làm đầy sức cảm hóa của Bác Hồ” đã viết: “Những lời nói, việc làm, cuộc đời mẫu mực và rất tự nhiên, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài học vô giá về y học phòng bệnh, chữa bệnh tích cực, chủ động và toàn diện”.

Sâu sa hơn, đó chính là bản chất, mục tiêu, ý nghĩa của công tác BHYT: bên cạnh việc luôn coi trọng ý thức tự chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ sức khỏe chính mình, luôn đề cao nguyên tắc tích cực, chủ động phòng ngừa rủi ro của mỗi người và cả cộng đồng xã hội, với phương châm: Bảo hiểm khi trẻ, sức khỏe khi già; Bảo hiểm khi lành, để dành khi ốm.

III. Quan điểm của Bác Hồ về y đức - cội nguồn tư tưởng xây dựng, phát triển  BHYT ở nước ta

Trong các thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị y tế toàn quốc năm 1953, Người luôn nêu vấn đề y đức. Người viết: “Người ta có câu: “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. (Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948), “Phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân”, “Lương y như từ mẫu” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc 1953)”, “Phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 02/1955).

Cố Giáo sư Đỗ Nguyên Phương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Y tế cho rằng, quan điểm “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức. Giáo sư Đỗ Nguyên Phương lý giải, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó quan hệ đến sức khỏe, tính mệnh của con người. “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Vì tính chất của nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh làm trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm vấn đề quyết định y đức của người thầy thuốc là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc. Người nhắc nhở những người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Đối với đội ngũ y tá, Bác dặn dò: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà còn là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Theo Người, nhân ái hay bác ái là nét nổi bật trong nhân cách của người thầy thuốc, một nền y học tiến bộ phải tồn tại trên cái nền của lòng nhân ái.

Với đặc thù của nền y tế nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đến những năm 80 của thế kỷ 20 đã thực hiện cơ chế bao cấp, người dân khám, chữa bệnh không mất tiền. Cơ chế y tế bao cấp mặc dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân, toàn quân; y đức giữ vững, ấm áp tình người, góp phần làm nên những thắng lợi huy hoàng của dân tộc.

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước, từ sau Đại hội VI của Đảng, sự chuyển đổi từ y tế bao cấp sang y tế từng bước tự chủ trong nền kinh tế thị trường; bên cạnh mặt tích cực, tác động tiêu cực của cơ chế tới đạo đức, phẩm chất của người thầy thuốc đã xuất hiện. Khi đồng tiền được đặt ra giữa người thầy thuốc và bệnh nhân, trong bối cảnh thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, nhu cầu cuộc sống tăng cao, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra gay gắt, thì vấn đề y đức cần có một cơ chế bảo đảm phù hợp. Tác giả Nguyễn Đức Kiệt (Trung tâm xã hội học y tế) đã viết trong bài “Y đức, y đạo và mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân”: “Về cơ chế dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tốt nhất là không nên để người thầy thuốc thu tiền trực tiếp từ bệnh nhân. Đành rằng trong cơ chế thị trường, dịch vụ khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ khác, nghĩa là cũng có kẻ bán, người mua, nhưng sự mua bán này nên gián tiếp mà không nên trực tiếp. Bệnh viện không nên thu viện phí của bệnh nhân mà bệnh nhân mua BHYT, bệnh viện nhận kinh phí từ BHYT chuyển sang”.

Nghị quyết số 04, Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII), ngày 14/01/1993 về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã chỉ rõ: “Những năm gần đây, ngành y tế có nhiều biểu hiện xuống cấp, có mặt khá nghiêm trọng. Công tác vệ sinh phòng bệnh kém, chưa quan tâm đầy đủ các hoạt động mang tính quần chúng. Y tế cơ sở suy yếu. Nhiều bệnh viện xuống cấp cả về cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, điều trị và tinh thần phục vụ. Một số chủ trương như thu viện phí, cho các cơ sở y tế nhà nước khám, chữa bệnh ngoài giờ... tuy có giải quyết được một phần khó khăn, nhưng lại làm nảy sinh những vấn đề mới, những tiêu cực. Việc thu viện phí còn tùy tiện, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho nhân dân, nhất là cho những bệnh nhân nghèo. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển nhanh, giúp cho nhân dân khám chữa bệnh thuận lợi hơn, nhưng quản lý không chặt chẽ nên cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những biểu hiện tiêu cực trên đây đã làm tổn hại đến đạo lý, uy tín của ngành y tế và đạo đức của người thày thuốc dưới chế độ ta, gây bất bình trong nhân dân”.

Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong bối cảnh mới, Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) đưa ra quan điểm, mục tiêu đổi mới và các giải pháp cụ thể, yêu cầu chấn chỉnh việc thu viện phí và chỉ đạo: “Khẩn trương phát triển BHYT…”.

Cố Giáo sư, bác sĩ Ngô Gia Hy một lần trả lời phóng vấn báo Sài gòn Giải phóng từ những năm 90 của thế kỷ XX đã cho rằng: “Trong cuộc sống, thầy thuốc cũng cần phải sinh sống nhưng không nên dùng nghề y làm phương tiện để làm giàu”. Trên thực tế, các bậc tiền bối ngành y ở phương Tây có Hypocrate, ở Việt Nam có Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu… đã lấy nghề y để cứu nhân độ thế. Hải Thượng Lãn Ông quan niệm người thầy thuốc phải nhiệt tình, không kể sang hèn, phải tôn trọng người bệnh, không được cầu lợi, kể công, không được “đem nhân thuật để làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán”. Giáo sư Ngô Gia Hy phân tích, trong cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh và phân hóa, nhưng sự phân hóa đó không được ảnh hưởng tới y đức của người thầy thuốc. Người thầy thuốc chỉ nhìn thấy bệnh nhân chứ không nhìn người bệnh ở sự giàu nghèo. Nếu áp dụng quy luật kinh tế thị trường vào sự săn sóc sức khỏe cho người dân thì chắc chắn người nghèo không đủ tiền để chữa bệnh, kể cả những người trung lưu. Cuối cùng, Giáo sư Ngô Gia Hy nhận định: “BHYT chính là biện pháp để xóa đi sự bất công đó để mọi người khi có bệnh là được điều trị vô điều kiện. BHYT còn là môi trường để giữ gìn y đức”.

Đồng nhất với quan điểm này, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thầy thuốc Nhân dân, GS,TS.Lê Thế Trung - thay mặt các thế hệ thầy thuốc Việt Nam báo công với Bác Hồ sáng 22/02/1997, đã dành cho phóng viên Tạp chí BHYT Việt Nam cuộc trao đổi phỏng vấn, cũng đưa ra nhận xét: “Chúng ta thực hiện BHYT trong những năm gần đây là rất đúng. Đây là giải pháp xã hội hóa công tác y tế, vì mỗi thành viên cộng đồng đều có trách nhiệm trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Khi bình thường thì đóng góp phần của mình vào để đến khi chẳng may bị bệnh tật thì đã có một khoản đóng góp cùng với khoản Nhà nước để chữa bệnh. Hơn nữa đây còn là một việc làm rất nhân đạo, bởi lẽ người đóng BHYT khi không cần chữa bệnh sẽ chia sẻ phần của mình cho người khác khi không may bị hoạn nạn cần cứu chữa”.

Giáo sư Lê Thế Trung nhấn mạnh: “Khi có BHYT, người thầy thuốc không phải trực tiếp đòi hỏi tiền bạc đối với người bệnh. BHYT là chỗ dựa về mặt y đức cho người hành nghề y. Tôi cho rằng BHYT sẽ tạo điều kiện cho y đức, cho ngành Y phát triển. BHYT chính là điều kiện, là môi trường để giữ gìn y đức của người thầy thuốc. Nếu không có BHYT thì người bệnh biết dựa vào đâu? Đến bệnh viện thì hết cho hộ lý, cho y tá, đến bác sĩ mổ, đủ thứ tiền. Nay người tham gia BHYT đã có một khoản rồi và bệnh viện cũng thế, cũng đã có khoản để nâng cấp, để chi tiêu rồi. Vì vậy, phải xây dựng môi trường BHYT cho tốt và tốt hơn nữa”./.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội