"Anti vắc-xin" - hiện tượng cần loại bỏ

13/07/2017 01:41 AM



Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi)

Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), việc phát minh ra vắc-xin được đánh giá là thành tựu y học vĩ đại của loài người. Vắc-xin ra đời đã thật sự trở thành một loại vũ khí sắc bén, hữu hiệu để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Không có bất cứ can thiệp y tế nào đem lại hiệu quả to lớn như vắc-xin trong việc giảm tỷ lệ mắc và chết vì bệnh truyền nhiễm. Đến nay, khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ vắc-xin, hằng năm thế giới đã cứu được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do các bệnh truyền nhiễm.

Tại Việt Nam, thành công của Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh... Kết quả giám sát các bệnh trong TCMR cho thấy, các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng chục đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng; được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả nhất ở Việt Nam. Chương trình TCMR hằng năm đã bảo vệ được hàng trăm nghìn trẻ không mắc, không bị chết cũng như bị các di chứng của các bệnh đó để lại, bảo vệ hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. Hiện, hơn 11 nghìn xã, phường, thị trấn; hơn 700 huyện trong cả nước triển khai tiêm chủng; hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hằng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến, liên quan sự sống còn của trẻ em.

Nguy cơ của các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn, cho nên việc tiêm vắc-xin là hết sức quan trọng. Nếu không duy trì tỷ lệ tiêm chủng, chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát, và cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định, TCMR và tiêm chủng chống dịch là bắt buộc.

TCMR luôn đặt ra ba yêu cầu cơ bản: nâng cao tỷ lệ, nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn. Tất cả vắc-xin đều trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Thống kê tại các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy, thời gian gần đây, phần lớn số trẻ em nhập viện do các bệnh truyền nhiễm đều chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm thiếu liều, có những bệnh viện tỷ lệ này lên tới 80%. Hơn 20 năm làm trong ngành truyền nhiễm, đứng trước hiện tượng “anti vắc-xin”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh khẳng định: Nếu “anti vắc-xin” cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội cho bé. Nếu “anti vắc-xin” kiểu nhóm, kiểu hùa theo, thì có tội với một thế hệ. Những người chống vắc-xin là do họ vin vào những trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin. Thế nhưng, số trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số trẻ được tiêm vắc-xin. Những trường hợp chết sau tiêm vắc-xin chỉ mang tính cá thể, một phần do cơ địa của bé và nhiều yếu tố khác, không nên đổ lỗi hoàn toàn do vắc-xin. Việc làm này rất nguy hiểm, nó có thể tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Các bậc phụ huynh hãy sáng suốt lựa chọn cho con mình loại vắc-xin cần thiết, phù hợp nhất.

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các bậc cha mẹ cần cẩn trọng trước mỗi tin tức trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe. Hãy tỉnh táo trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, bởi rất có thể, tính mạng của gia đình bạn, của cả cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng do quyết định của chính bạn.

Để phòng bệnh, trẻ phải được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Thời gian qua, ở một số nơi, một số thời điểm, tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra, như: sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Vì sức khỏe của con em mình, các bậc cha mẹ hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội./.




Nguồn: Báo Nhân dân điện tử