BHXH huyện Krông Bông - Nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện

21/07/2017 03:44 AM




Thực trạng BHXH tự nguyện

BHXH tự nguyện là vấn đề không còn mới mẻ, nó đã được quy định trong luật BHXH năm 2006 và một lần nữa được xác định trong luật BHXH năm 2014. So với Luật cũ thì Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 01/01/2016) đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc bỏ quy định khống chế trần tuổi tham gia; thay đổi quy định mức sàn thu nhập tối thiểu đóng BHXH tự nguyện.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Cụ thể  mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu đã được điều chỉnh từ 22% mức lương tối thiểu chung thành 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.00đ/tháng), tức là người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/tháng thay vì 286.000 đồng/tháng (mức lương tối thiểu chung hiện nay là 1.300.000đ) nếu dựa vào quy định của Luật BHXH 2006 (Luật số 71/2006/QH11). Trường hợp người lao động có thu nhập cao ổn định, có thể chọn mức đóng cao hơn nhưng không quá 20 lần mức lương cơ sở. Về phương thức đóng cũng đa dạng, người lao động có thể đóng hàng tháng, đóng hàng quý, đóng 6 tháng hoặc 12 tháng một lần, trường hợp người lao động có một khoản thu nhập lớn mới phát sinh thì có thể đóng BHXH một lần cho nhiều năm về sau như là một khoản tiết kiệm cho tuổi già. Trường hợp người lao động đã hết tuổi lao động nhưng mới có hơn 10 năm đóng BHXH thì có thể đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay khi đóng đầy đủ.

Để tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH, kể từ 01/01/2018 nhà nước sẽ hỗ trợ phần trăm trên mức đóng hàng tháng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể: Hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo 30% tương ứng 46.200 đồng, hộ cận nghèo là 25% tương ứng 38.500 đồng và 10% đối với đối tượng khác tương ứng 15.400 đồng/tháng.

Những khó khăn trong việc triển khai BHXH tự nguyện

Chính sách là thế, nhưng thực tế cho thấy người lao động vẫn chưa nắm bắt đầy đủ các nội dung của BHXH tự nguyện, nhiều người còn nhầm lẫn giữa BHXH với Bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp.

Về mức đóng đối với người tham gia BHXH  bắt buộc là 26% (trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 18%, người lao động chỉ phải đóng 8%) còn đối với người tham gia BHXH tự nguyện, bản thân họ phải tự đóng 22% mức lương tự chọn. Do chênh lệch về tỷ lệ đóng nên quyền lợi của hai đối tượng này cũng khác nhau. Người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi người tham gia BHXH bắt buộc ngoài hai chế độ trên họ còn được hưởng chế độ BHXH ngắn hạn như: Chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, do mức thu nhập của lao động ở nông thôn còn thấp chủ yếu dựa vào mùa vụ, tình trang thiên tai, mất mùa thường xuyên xảy ra có tính chu kỳ dẫn đến nguồn thu của người lao động không ổn định, do BHXH tự nguyện là một chiến lược dài hơi (phải tham gia đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu) nên trong nhiều năm qua, các đại lý thu mới chỉ tập trung vào lĩnh vực BHYT, đây cũng là nguyên nhân khiến người lao động còn e dè chưa dám tham gia BHXH tự nguyện.
Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng, đó là xuất phát từ việc người lao động chưa quen với tư duy tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già.

Và sự thay đổi...

Để hướng tới mục tiêu đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với mọi người dân qua đó mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, bảo đảm cuộc sống của người lao động khi về già, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cơ quan BHXH Krông Bông ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền cho cả năm 2017, trong đó xác tập trung tuyên truyền các chế độ BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình tới tận các thôn buôn, tổ dân phố kết hợp với việc đối thoại trực tiếp để mọi người dân có thể tiếp cận được các chế độ trên chính xác nhất, nhanh chóng nhất. Bằng nhiều hình thức trực quan gắn với tuyên truyền miệng có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội họp của các tổ chức đoàn thể, thôn, buôn khối phố, tổ dân phố về chính sách BHXH tự nguyện, để người lao động nắm vững và tham gia.

Các buổi đối thoại được tổ chức vào buổi tối - thời điểm bà con nhân dân rảnh rang
sau một ngày lao động

Trước đây công tác tuyên truyền thường lồng ghép tại các hội nghị chuyên đề, các cuộc họp nên đối tượng được tiếp cận thường là các cán bộ chủ chốt của huyện, của xã, do vậy người dân, người lao động ít nắm bắt được các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện. Nếu được phổ biến lại từ các lãnh đạo qua các cuộc họp, thì mức độ tiếp cận của người dân thường không cao và cũng sẽ không đầy đủ. Trong năm 2017, BHXH Krông Bông xác định rõ đối tượng tuyên truyền trực tiếp ở đây là mọi người dân, người lao động có nhu cầu, có khả năng tham gia BHXH tự nguyện và sẽ truyền tải chính sách và chế độ về BHXH tự nguyện đồng thời giải đáp các thắc mắc ngay tại buổi đối thoại.

Ngoài ra, BHXH Krông Bông thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, phổ biến chính sách về BHXH tự nguyện cho các đại lý thu, trên cơ sở đó qua mạng lưới đại lý thu triển khai BHXH tự nguyện đến từng khu dân cư, phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Lãnh đạo BHXH Krông Bông yêu cầu mỗi nhân viên, người lao động trong cơ quan phải là một tuyên truyền viên về chính sách BHXH, BHYT và yêu cầu tất cả mọi người phải nắm rõ những kiến thức chung nhất về BHXH, BHYT để sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người lao động khi họ có nhu cầu tìm hiểu về các chính sách trên. Ngoài ra, tùy từng nhiệm vụ công tác cụ thể, Lãnh đạo sẽ giao chỉ tiêu cho từng người về khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Qua đây, mỗi nhân viên, người lao động sẽ hiểu rõ hơn sự ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện, góp phần vào sự hoàn thành các chỉ tiêu của BHXH tỉnh giao trong năm 2017.

Lãnh đạo BHXH huyện đối thoại trực tiếp với người dân

Kết quả đạt được…

Trong năm 2017, thực hiện sự đổi mới trong hình thức tuyên truyền qua cách tiếp cận và đối thoại trực tiếp với đối tượng tham gia, cho tới nay số lượng người tham gia BHXH tự nguyện đã lên tới 86 người, đạt 57.33% chỉ tiêu về số người tham gia trong năm 2017 mà BHXH tỉnh giao. Cụ thể, sau đợt tuyên truyền kết hợp đối thoại với người dân tại thôn 4, xã Cư Kty đã có 7 người tại thôn này đăng kí tham gia BHXH tự nguyện, trong đó 5 người tham gia với mức thu nhập đăng kí 700.000đ/tháng và 2 người tham gia với mức thu nhập 950.000đ/tháng.

Đó là kết quả bước đầu trong việc đẩy mạnh việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện tới mọi người dân trên địa bàn huyện của BHXH Krông Bông. Thời gian tới, song song với việc hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên mà BHXH tỉnh cũng như UBND huyện đề ra, thì viêc tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng được lãnh đạo BHXH Krông Bông chú trọng. Bằng cách làm đổi mới và thiết thực ở trên, BHXH Krông Bông quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu về số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2017 theo kế hoạch mà BHXH tỉnh đã giao./.





Nguyễn Hồng Phúc - BHXH huyện Krông Bông