Phòng chống tội phạm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT (Bài 1)

03/08/2017 07:11 AM




Những vụ việc nổi cộm

Trong thời gian qua, bên cạnh nỗ lực của bản thân, ngành BHXH luôn chủ động, kịp thời phối hợp với ngành Công an triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống và xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, qua đó góp phần cảnh báo tới toàn xã hội về hậu quả mà những hành vi này gây ra.

Công an Thanh Hóa bắt các đối tượng làm giả thẻ BHYT

TP.HCM là địa phương tập trung đông DN, NLĐ và người dân nhất nước, nên cũng là nơi phát sinh nhiều trường hợp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT gây “sốt” dư luận. Trong 5 năm qua, nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm đã bị cơ quan CSĐT (Công an TP.HCM) điều tra làm rõ như: Một số cá nhân phối hợp, tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và trợ cấp BHXH một lần với số tiền trên 1,3 tỉ đồng (35 hồ sơ thai sản với số tiền 1,28 tỉ đồng và 4 hồ sơ BHXH một lần với số tiền 29 triệu đồng).

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai và Quảng Ninh, BHXH tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp phát hiện một số đối tượng làm giả Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (mẫu C65-HD), Giấy khai sinh, Giấy ra viện, Giấy chứng minh nhân dân... để đề nghị cơ quan BHXH thanh toán các chế độ BHXH. Qua phối hợp điều tra, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chuyển 116 hồ sơ, giấy tờ giả (số tiền chiếm đoạt 394 triệu đồng) cho cơ quan Công an xác minh, làm rõ.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, BHXH tỉnh đã thu hồi được số tiền 485 triệu đồng từ một DN, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc cho Phòng An ninh kinh tế tổng hợp (PA81, Công an tỉnh) điều tra, khởi tố 4 bị can.

Cũng tại Quảng Ninh, có trường hợp nhân viên Đại lý thu BHYT đã sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT cũ đã hết hạn, rồi in đè hạn sử dụng mới để thu và chiếm đoạt trên 300 triệu đồng của người dân. Cơ quan BHXH đã thu hồi được 148 thẻ BHYT tẩy xóa, sửa chữa và bàn giao hồ sơ cho cơ quan Công an khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và truy tố 2 bị can liên quan.

Hay như ở Kiên Giang có 4 bị can là nhân viên BV và nhân viên của một DN đã bị khởi tố do đã móc nối dùng danh sách mã thẻ BHYT của công nhân có tham gia BHYT để lấy thuốc và thanh toán chi phí KCB với số tiền 185 triệu đồng.

Còn tại Cần Thơ, có DN lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH, nhưng thực tế người này không làm việc tại đơn vị. Sau đó, lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản nhằm trục lợi BHXH. Tại tỉnh Hải Dương, nhân viên nhân sự và kế toán của một DN cấu kết lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh quyết toán chế độ trợ cấp thai sản tại cơ quan BHXH để chiếm đoạt số tiền 867 triệu đồng.

Tại Bến Tre có trường hợp nhân viên một DN lập hồ sơ khống của 13 công nhân hoàn toàn không mang thai, không sinh con để đề nghị cơ quan BHXH thanh toán chế độ thai sản, với số tiền 255 triệu đồng. Tỉnh Đồng Tháp có đơn vị đề nghị thanh toán chế độ thai sản cho NLĐ theo mức lương đã đăng ký tham gia BHXH là 18 triệu đồng/tháng, trong khi đăng ký mức lương với cơ quan thuế là 2,5 triệu đồng/tháng. Hay như nhân viên Trung tâm Y dược cổ truyền Bắc Kạn lạm dụng quỹ BHYT bằng hình thức kê đơn thuốc cho người bệnh là thuốc bắc, nhưng khi phát thuốc cho bệnh nhân thì đổi thành thuốc nam, để ăn chặn số tiền chênh lệch 274 triệu đồng...

Phối hợp chặt chẽ

Trong thời gian qua, thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra tại BHXH các tỉnh, thành phố cũng như qua đơn thư phản ánh của các cá nhân, tổ chức, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đồng thời chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND để truy tố trước pháp luật.

Chỉ tính trong 5 năm (2012-2017), kể từ khi BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) ký quy chế phối hợp, BHXH các tỉnh, thành phố đã thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với Công an và các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện được 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị SDLĐ và 80 cơ sở KCB BHYT); phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Yêu cầu chủ SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động, khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền trên 576 tỉ đồng; yêu cầu truy thu trên 17 tỉ đồng chi sai các chế độ; yêu cầu thu hồi, xuất toán trên 48,8 tỉ đồng do lạm dụng chi phí KCB BHYT…

Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành và Công an địa phương khởi kiện các đơn vị SDLĐ; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 459 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền thu hồi do xử phạt vi phạm hành chính là 206 triệu đồng.

Thông qua những vụ việc trên, dễ dàng nhận ra một số phương thức, thủ đoạn vi phạm như: Lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm giả giấy khai sinh, giấy chứng sinh bản sao, lập hồ sơ giả mạo đề nghị cơ quan BHXH thanh toán tiền trợ cấp thai sản. Thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc (những người chưa nhận lại sổ), sau đó lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH một lần hoặc có DN cố tình lập và sử dụng 2 hệ thống thang bảng lương khác nhau, trong đó sử dụng bảng lương có mức lương thấp để đóng BHXH, nhằm ăn chặn chế độ của NLĐ...

Đáng chú ý, nhiều DN, cá nhân còn tranh thủ khi toàn hệ thống BHXH đang tích cực thực hiện cải cách TTHC hoặc khi chính sách mới được ban hành chưa có hiệu lực, để lập khống hồ sơ trục lợi BHXH, BHYT./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội