Phòng chống tội phạm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT (Bài cuối)

04/08/2017 09:19 AM




Nguyên nhân từ nhiều phía

Nhìn nhận lại các vụ việc bị BHXH và Công an các địa phương phát giác, cho thấy những phương thức, thủ đoạn vi phạm như: Lợi dụng kẽ hở của pháp luật về BHXH, BHYT để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ; lợi dụng kẽ hở của chính quyền địa phương trong việc chứng thực các văn bản, giấy tờ để làm giả giấy khai sinh, giấy chứng sinh (bản sao) rồi lập hồ sơ giả đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trợ cấp thai sản. Thu gom sổ BHXH của những NLĐ đã nghỉ việc (những người này không đến công ty nhận lại sổ), rồi lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền trợ cấp BHXH một lần. Nhiều DN cố tình lập và sử dụng 2 hệ thống thang bảng lương khác nhau nhằm trốn đóng BHXH...

Ngoài ra, còn phải kể đến việc một bộ phận cán bộ, nhân viên tại một số cơ sở y tế lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đánh tráo các loại thuốc có giá trị thấp hơn so với thuốc BHYT mà bác sĩ đã kê cho bệnh nhân. Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống, kê tăng số lượng thuốc hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng...

Trong khi đó, việc phối hợp giữa 2 ngành tại một số địa phương có thời điểm chưa được thường xuyên, còn lúng túng. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra mới chỉ tập trung ở các đơn vị SDLĐ có số nợ lớn, kéo dài hoặc có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Ngoài ra, nhiều DN làm ăn thua lỗ phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến tình trạng nợ khó thu. Thậm chí, có nơi, do cơ quan Công an chưa có ý kiến chính thức về quy chế phối hợp, nên việc trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT chưa được kịp thời...

Tăng cường phối hợp

Do nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nên thời gian qua, BHXH các cấp đã tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm, có tình có lý và đúng quy định mọi đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Đối với những trường hợp phức tạp, kéo dài, BHXH Việt Nam giao BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan Công an tra cứu từ tàng thư hồ sơ, điều tra và có văn bản xác minh, trả lời để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết các chế độ cho NLĐ...

Chính vì thế, 2 cơ quan đã giải quyết dứt điểm một số vụ việc như: Đơn khiếu nại của ông Vũ Khánh Vững (tỉnh Đắk Nông), đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Thành và bà Ngô Hồng Hà (Đà Nẵng), đơn tố cáo bà Phạm Thị Thành (tỉnh Bình Thuận), đơn tố cáo ông Trần Công Đức của ông Nguyễn Xuân Cang và bà Lê Thị Hiền (Bình Thuận), đơn tố cáo ông Vũ Chi Phương (Quảng Ninh)... Trong 5 năm (2012-2017), cơ quan BHXH và Công an các địa phương đã phối hợp xử lý được 76 trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo, thu hồi được 771 triệu đồng...

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn đang diễn ra với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, cả từ phía NLĐ, người thụ hưởng và người SDLĐ, với chiều hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn chiếm tỉ lệ cao, cụ thể: Đến cuối năm 2016, tổng số nợ BHXH, BHYT là 9.337 tỉ đồng; đến hết tháng 4/2017 tăng lên 17.551 tỉ đồng. Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 16 DN (vào tháng 2/2017) cho thấy, chỉ có 13% NLĐ (trong tổng số 7.891 NLĐ) được tham gia BHXH…

Trước tình trạng trên, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có ngành Công an trong việc quản lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, Tổng cục Cảnh sát và Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã chỉ đạo, quán triệt tới Công an các địa phương trong việc phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Đến nay, đã có 58 BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Công an địa phương thực hiện ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Tại một số địa phương, 2 cơ quan còn tổ chức các buổi giải đáp, tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho công nhân trong các KCN. Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp cung cấp và điều tra, xử lý những thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, BHXH và Công an các cấp sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc nâng cao trách nhiệm phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Đặc biệt, thường xuyên trao đổi thông tin, thông báo kịp thời phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT để có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn kiến nghị Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Đội Cảnh sát Kinh tế và Công an các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ các đơn vị thuộc hệ thống BHXH thu hồi nợ BHXH từ các DN; xử lý nghiêm những hành vi cố tình trốn đóng BHXH, lạm dụng và trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT của các DN, đơn vị, cá nhân.

Ngày 16/5/2012, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXHVN. Theo đó, hoạt động phối hợp gồm: Phòng chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan BHXH các cấp; đảm bảo an toàn các hoạt động của cơ quan BHXH các cấp.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội