Nhiệm vụ & giải pháp hoàn thành mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

17/08/2017 02:50 AM


Với quyết tâm cao nhất đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt với công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng. Đó là Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với yêu cầu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV thông qua một loạt các giải pháp như: xác định trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT; xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với HSSV của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở Giáo dục - Đào tạo, các nhà trường; quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe học đường, tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng y tế trường học để bảo đảm hoạt động y tế hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm sóc SKBĐ cho HSSV …


Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền các cấp về công tác BHYT học sinh, sinh viên. Và để đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển đối tượng HSSV tham gia BHYT, ngày 02/4/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, theo đó yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành xây dựng tiêu chí, kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mở rộng BHYT đối với HSSV, phấn đấu đạt tỷ lệ tham gia BHYT 100%. Và tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 -2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV. Theo đó giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp Bộ tài chính xây dựng cơ chế hỗ trợ mức đóng cho HSSV theo nguyên tắc giảm dần việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở KCB sang hỗ trợ mua thẻ BHYT khi thực hiện cơ chế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo đến năm 2017 có 100% HSSV tham gia BHYT; phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tăng cường thông tin, truyền thông, vận động HSSV tham gia BHYT.

Thực hiện quy định của Luật BHYT và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  các ngành BHXH, Giáo dục & Đào tạo, Y tế đã có sự phối hợp chặt chẽ để có những chỉ đạo sâu sát cả theo chiều dọc và chiều ngang. Đặc biệt với sự vào cuộc trực tiếp của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong các trường học trên khắp cả nước. Theo sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm BHXH cấp tỉnh và cấp huyện đều chủ động tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Ngành Giáo dục cùng cấp, ban hành Kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn, công tác BHYT học sinh, sinh viên trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm: năm học 2013 - 2014 là 85%, đến năm học 2014 - 2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT; năm học 2015 - 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em; năm học 2016 - 2017, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ. Tuy nhiên, với ý nghĩa là nhóm đối tượng đi trước trên lộ trình BHYT toàn dân, đến nay vẫn còn đến 7,5% HSSV chưa tham gia cho thấy còn không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.

Hiện nay có một số nguyên nhân cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng HSSV tham gia BHYT chưa đủ 100% theo Luật định. Mặc dù, Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện của ngành BHXH, Giáo dục Đào tạo ở một số địa phương cũng chưa quyết liệt, cụ thể: (1) Một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV. (2) Tại một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong công tác rà soát, đối chiếu số HSSV đã tham gia và chưa tham gia BHYT để xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động phụ huynh và HSSV tham gia BHYT, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển HSSV tham gia BHYT.

Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ tham gia BHYT đối với học sinh phổ thông cao hơn hẳn so với sinh viên của các trường chuyên nghiệp, nhất là sinh viên của các trường do các bộ, ngành quản lý. Sinh viên tham gia BHYT chủ yếu là các em vào năm thứ nhất khi nhà trường thu các khoản đóng góp đầu năm học (trong đó có tiền đóng BHYT). Từ các năm sau, tỷ lệ sinh viên tham gia giảm hẳn… tạo ra “vùng trắng” với nhóm đối tượng này, đây cũng là vấn đề cần sớm được giải quyết để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho sinh viên.

Với quyết tâm cao nhất hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vào cuối năm 2017, ngay từ đầu năm học 2017-2018 này, các ngành liên quan cần quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ các giải pháp:

Một là, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo từ Trung ương đến địa phương thực hiện một số nội dung:

Giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên, đảm bảo đến hết năm 2017 đạt 100% HSSV tham gia BHYT;

Thực hiện thu BHYT học sinh, sinh viên đảm bảo theo đúng quy đinh, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu BHYT học sinh sinh viên của những tháng còn lại năm 2017. Đối với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017; cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu BHYT một lần đến năm 2018 nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh. Đặc biệt nhấn mạnh thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.

Ba là, đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhà trường lập danh sách HSSV tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.

Bốn là, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng trên địa bàn. Kiên quyết không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Dành một nguồn kinh phí hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Năm là, đề nghị các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của HSSV và phụ huynh về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT cho con, em mình. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong HSSV về chính sách BHYT, làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết về tính ưu việt của chính sách BHYT đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Mới đây, ngày 14/4/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trong đó có nhiều đột phá mới trong quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thu, nộp BHXH, BHYT, đặc biệt quy định người tham gia BHXH, BHYT được cấp mã số BHXH là số định danh duy nhất để cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ BHXH, BHYT.

Theo đó, đối với mỗi người tham gia BHYT, gồm cả HSSV được cấp 01 mã số BHXH để sử dụng trong quá trình kê khai tham gia BHYT, hưởng BHYT và được sử dụng, gắn bó với các em không chỉ trong thời gian học tại nhà trường mà sẽ theo sát các em trong cả quá trình trưởng thành và suốt cuộc đời.

Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan BHXH đến phổ biến và hướng dẫn cách thức tra cứu mã số BHXH, trường hợp tra cứu không tìm thấy mã số BHXH thì nhà trường hướng dẫn HSSV kê khai đầy đủ thông tin vào mẫu tờ khai do cơ quan BHXH cung cấp để cấp mã số BHXH. Sau khi có mã số BHXH, nhà trường lập danh sách tham gia BHYT, ghi mã số BHXH vào danh sách đối với từng HSSV, cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH được cấp.

Đây là nội dung công việc mới, quan trọng của công tác BHYT học sinh, sinh viên năm nay, Ngành BHXH rất mong nhận được sự phối hợp trách nhiệm và sự chia sẻ của Ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục, nhà trường với những khó khăn, vướng mắc trong bước “vạn sự khởi đầu nan” của quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý./.

 

 

Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội