Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đóng BHXH

25/08/2017 02:19 AM



Ảnh minh họa.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến đầu tháng 7, tổng số nợ trong cả nước gần 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 9.600 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 540 tỷ đồng, nợ BHYT là 3.625 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động chưa cao; chế tài xử phạt chưa tương xứng hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi chưa nghiêm… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những lý do khiến nợ đọng BHXH gia tăng trong thời gian gần đây, đó là sự đình trệ trong việc khởi kiện những doanh nghiệp vi phạm. Thực tế cho thấy, từ khi tổ chức công đoàn được giao chức năng khởi kiện (năm 2016) đến nay, cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhưng chưa có hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH nào được tòa án tiếp nhận và đưa ra xét xử. Nguyên nhân do nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, khiến hồ sơ khởi kiện bị… tắc!

Trong bối cảnh đó, thực hiện quy định của Luật BHXH (sửa đổi), ngành BHXH đã tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là về nhân lực để triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là BHXH). Ngay sau khi Nghị định số 21/2016/NÐ-CP về thực hiện chức năng này của ngành BHXH có hiệu lực thi hành (từ 1-6-2016), BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã khẩn trương vào cuộc. Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, toàn ngành BHXH đã tiến hành 2.228 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 5.769 đơn vị, qua đó phát hiện hơn 14.000 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian và một số lượng tương tự đóng thấp hơn mức quy định... Từ kết quả thanh tra, cơ quan BHXH tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 25 đơn vị, với tổng mức phạt hơn một tỷ đồng và quyết định truy thu gần 60 tỷ đồng…

Có thể thấy, những kết quả trong thời gian đầu thực hiện thanh tra đóng BHXH, khá khả quan so với hoạt động kiểm tra trước đây. Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng các cuộc thanh tra đã được tiến hành, cũng như số tiền phải thu hồi sau thanh tra (chưa nói tới khả năng thu hồi trên thực tế), với số đơn vị vi phạm cũng như tổng số nợ đọng, rõ ràng công tác này vẫn còn khoảng cách khá xa so yêu cầu.

Ngoài lý do đây là nghiệp vụ hoàn toàn mới, việc triển khai chức năng thanh tra của ngành BHXH bước đầu còn gặp khó khăn, do lực lượng mỏng. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại các nước đang phát triển, mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra chỉ phụ trách từ 1.000 đến 2.000 lao động, thì mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH nước ta hiện phải phụ trách theo dõi tới 100.000 lao động! Bên cạnh đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện cũng rất hạn chế; việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; quy định về quyền xử phạt, mức xử phạt của giám đốc BHXH tỉnh còn hạn chế...

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH nói chung, tình trạng nợ đọng BHXH nói riêng, việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra đóng BHXH của ngành BHXH là một yêu cầu cấp thiết. Ðể làm được điều đó, những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện cần được các cơ quan chức năng ưu tiên giải quyết./.



Nguồn: Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam