Đề phòng tháng cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết

01/09/2017 08:59 AM




Báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh (Bộ Y tế), PGS-TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến ngày 30/8, cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc SXH, trong đó có 91.656 trường hợp nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc nhập viện tăng 43,5%, số tử vong tăng 7 trường hợp.

Xử lý những vật dụng dễ phát sinh lăng quăng và muỗi

Đáng buồn nhất, đến thời điểm hiện nay, dịch SXH đã khiến 26 người tử vong. Các trường hợp tử vong tập trung chủ yếu tại miền Nam (tại 10 tỉnh, thành phố) với 19 trường hợp; miền Bắc chỉ có ở thành phố Hà Nội (7 trường hợp); miền Trung có tại Bình Định (1 trường hợp). Tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất tại miền Trung (120,4); tiếp theo miền Nam (104,4); khu vực Tây Nguyên (75,5) và miền Bắc (68,7). Trong đó, 10 tỉnh có số mắc cao nhất như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Riêng Hà Nội và TP.HCM có số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước.

Trong tuần qua, điểm nóng của dịch vẫn là Hà Nội, với 2.912 ca mắc mới. Tính đến 28/8, Hà Nội đã ghi nhận 22.296 bệnh nhân mắc SXH. Các ổ dịch đang tập trung tại các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Thường Tín.

Đánh giá về diễn tiến của dịch, ông Phu cho biết, số mắc trong tuần qua (21- 27/8) vẫn cao (ghi nhận 6.292 trường hợp mắc), nhưng đã giảm khoảng 11,4% (810 trường hợp) so với tuần trước.

Tuy vậy, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, chúng ta không thể chủ quan bởi dịch bệnh SXH vẫn đang có diễn biến phức tạp, do thời điểm hiện nay bắt đầu vào tháng cao điểm SXH như những năm trước. Bất kỳ ai cũng có thể mắc SXH, nếu môi trường sống xuất hiện các véc tơ truyền bệnh. Thực tế đang lưu hành cả 4 týp vi rút SXH, trong đó chủ yếu vẫn là D1, D2 (với 95%). Trong khi đó, diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường sẽ là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển. Hiện nay đến lúc HSSV nhập học, nên nguy cơ lây lan trong nhóm này cao, nhất là HSSV ngoại tỉnh lên Hà Nội và TP.HCM thuê nhà trọ.

Để khống chế hiệu quả dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt việc xử lý triệt để ổ dịch, diệt bọ gậy/lăng quăng, tổ chức phun hóa chất lần 2. Tiếp tục duy trì hoạt động của tổ xung kích diệt muỗi, diệt bọ gậy; duy trì kiểm tra dụng cụ chứa nước, xử lý ổ bọ gậy và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại gia đình và cộng đồng. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để từng ổ dịch tại mỗi xã, phường, thực hiện các biện pháp tổng thể phun hóa chất (phun công suất lớn, phun thể tích nhỏ và áp dụng phun mù nhiệt) tại các hộ gia đình, thực hiện tốt việc đóng cửa sau phun hóa chất...

Ngoài ra, người dân cần quan tâm dự phòng một số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành, có nhiều nguy cơ gây tử vong. Cụ thể, về bệnh cúm, cả nước vẫn ghi nhận rải rác các ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, gần đây là ổ dịch cúm A/H5N1 tại Bạc Liêu. Trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện 28 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại 7 tỉnh, thành phố trong tổng số 678 mẫu xét nghiệm, cao nhất tại TP.HCM (18 trường hợp). Ghi nhận 54.737 trường hợp mắc chân- tay- miệng, trong đó có 24.695 trường hợp nhập viện (tăng 5,5% so với cùng kỳ 2016). Bệnh lỵ trực trùng có 9.914 trường hợp mắc, tập trung tại một số tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng… liên quan đến mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi. Cả nước cũng đã có 134 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 11 trường hợp tử vong; 42 trường hợp tử vong do bệnh dại…/.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội Việt Nam