Những khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ ngày 01/01/2018

27/09/2017 03:03 AM



Theo đó, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

14 khoản phụ cấp không tính đóng BHXH

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như:

1. Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012.

2. Tiền thưởng sáng kiến.

3. Tiền ăn giữa ca.

4. Tiền hỗ trợ xăng xe.

5. Tiền hỗ trợ điện thoại.

6. Tiền hỗ trợ đi lại.

7. Tiền hỗ trợ giữ trẻ.

8. Tiền hỗ trợ nhà ở.

9. Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ.

10. Tiền hỗ trợ NLĐ có thân nhân bị chết.

11. Tiền hỗ trợ NLĐ có người thân kết hôn.

12. Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của NLĐ.

13. Tiền trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ-BNN.

14. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ tại Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, Thông tư 59/2015 cũng quy định:

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý DN có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP là tiền lương do DN quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý, điều hành HTX có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người đại diện phần vốn Nhà nước không chuyên trách tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước sau cổ phần hóa; công ty TNHH hai thành viên trở lên là tiền lương theo chế độ tiền lương của cơ quan, tổ chức đang công tác trước khi được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước.

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người đại diện phần vốn Nhà nước chuyên trách tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty là tiền lương theo chế độ tiền lương do tập đoàn, tổng công ty, công ty quyết định.

Trong thời gian NLĐ ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương, thì NLĐ và người SDLĐ thực hiện đóng BHXH bắt buộc theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc./.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội