Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đến với đồng bào dân tộc thiểu số

28/11/2017 10:08 AM




Tình hình thực tế


Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012-2020 đã nêu rõ mục tiêu, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp... Trong thời gian qua, chính sách BHXH không ngừng được sửa đổi, bổ sung, từng bước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, theo đó chính sách BHXH tự nguyện cũng được sửa đổi, bổ sung để khuyến khích người dân tham gia nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ như quy định về trần tuổi tham gia, mức đóng, thời gian đóng, phương thức đóng.. đặc biệt từ 01/01/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với hộ còn lại... Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh Đắk Lắk số người tham gia BHXH mới chỉ đạt khoảng 9,12% lực lượng lao động, trong đó có 2.063 người tham gia BHXH tự nguyện, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện là 83 người, chiếm tỷ lệ 4,02% trên tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Chính sách BHYT, tính đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh có 1.526.846 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 81,46% trên tổng dân số, trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là 238.773 người chiếm tỷ lệ 15,63% trên tổng số người tham gia BHYT, đồng bào dân tộc thiểu số 5.681 người, chiếm tỷ lệ 2,37% trên tổng số người tham gia BHYT hộ gia đình.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình
cho đồng bào buôn Kbu, xã Hòa Khánh

Có thể thấy, Đắk Lắk là một tỉnh thuần nông, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn, đa số người dân làm nông nghiệp nên thu nhập thấp và không ổn định, hiểu biết về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT chưa nhiều, công tác tuyên truyền chế độ chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được thường xuyên, liên tục, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa được quan tâm đúng mức, người dân còn thiếu thông tin, thậm chí họ chưa biết nhiều về chính sách BHXH nói chung, chính sách BHXH tự nguyện cũng còn nhiều bất cập.. chưa khuyến khích được người dân tự nguyện tham gia.

Về chính sách BHYT, những năm trước đây hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đều được cấp thẻ BHYT như: Hộ gia đình nghèo; đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn... vì vậy họ luôn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chuẩn bị tâm lý tự bỏ tiền để mua thẻ BHYT.

Giải pháp, kiến nghị đề xuất

Để công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đảm bảo tính ổn định, bền vững.. đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương, rất cần sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị; công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được chú trọng; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín tại địa phương; nội dung tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và thiết thực với cuộc sống hàng ngày của đồng bào (panô, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền, phát thanh bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số).

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam …,tiếp tục mở rộng, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho hệ thống đại lý, ưu tiên đại lý là người đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi thôn, buôn, tổ dân phố đều có đại lý, …, bố trí sắp xếp các điểm thu hợp lý, có đầy đủ biển hiệu, thông tin để người dân dễ nhận biết.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại tỉnh Đắk Lắk cũng chính là thực trạng, khó khăn vướng mắc đối với các tỉnh Tây nguyên.. mà Hội thảo về “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” tổ chức tại tỉnh Gia Lai vào ngày 18/11/2017 cũng đã đánh giá. Với những giải pháp, kiến nghị đề xuất thiết thực, chia sẽ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động và sự hỗ trợ mức đóng từ ngân sách địa phương, hy vọng trong thời gian tới chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thực sự đến với người đồng bào sinh sống ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người cận nghèo... để họ được tham gia và thụ hưởng, góp phần vào thành công của công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.



Lê Xuân Khánh – Phòng Khai thác và Thu nợ