BHXH tỉnh Đắk Lắk - Học tập tư tưởng của Bác về cải cách thủ tục hành chính

13/12/2017 12:24 AM




Tư tưởng CCHC của Bác Hồ

Bác không chỉ là nhà tư tưởng, nhà lý luận mà Người còn là kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính Nhà nước Việt Nam trên tất cả các mặt như: Xây dựng thể chế tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức, lề lối làm việc, kỹ thuật hành chính và cơ chế vận hành, rèn luyện đạo đức, sửa đổi cách làm việc chống quan liêu lãng phí, tham ô… bảo đảm xây dựng một nền hành chính thực sự của dân, do dân và vì dân.

Bác là người đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại của nhà nước ta. Người đã thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa mục tiêu chính trị và mục tiêu hành chính trong một mục tiêu chung. Khi nói tới bản chất của nền hành chính nhà nước, Bác quan tâm tới bản chất của chế độ, tức là quan tâm tới mối quan hệ giữa dân chủ và chính quyền. Nền hành chính ấy, theo Bác là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, cũng tức là nền dân chủ nhân dân. Bản chất của nền hành chính luôn luôn phụ thuộc vào bản chất của Nhà nước.

Từ nhiều năm nay, vận dụng tư tưởng của Bác, Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền hành chính dân chủ, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, đề cao vai trò của nền hành pháp, xác định CCHC là trọng tâm, tập trung vào những nội dung cơ bản như: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên trong cơ quan nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý về đường lối chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn. Đặc biệt là thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức sao cho gần dân, sát dân hơn.

Học tập tư tưởng của Bác về CCHC

Hưởng ứng việc học tập theo tư tưởng, phong cách của Bác, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 , đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Cụ thể:  Cải cách TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách là nhiệm vụ quan trọng được BHXH Việt Nam chỉ đạo quyết liệt trong nhiều năm qua. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là cải cách TTHC trong  tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Trước những yêu cầu đặt ra , BHXH tỉnh Đắk Lắk nỗ lực để đạt được các mục tiêu cụ thể trong hai năm 2016 - 2017 và định hướng đến năm 2020. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện thực hiện nghiêm Kế hoạch về công tác CCHC của Ngành năm 2017. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa”, thực hiện Nghị định số 166/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ, Công văn số 5171/BHXH-CNTT ngày 20/11/2017 của BHXH Viêt Nam về  triển khai hệ thống Giao dich điện tử đối với các thủ tục giải quyết hưởng chế độ ngắn hạn, rà soát hệ thống các văn bản do BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh ban hành; đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những TTHC không còn phù hợp, đơn giản hóa theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người đóng, hưởng chính sách BHXH, BHYT. BHXH tỉnh đã cập nhật 28 TTHC thuộc 05 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH tỉnh tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả TTHC. Công bố danh mục TTHC thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích kèm theo Quyết định số 39/QĐ-BHXH ngày 09/01/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, 100% các TTHC của Ngành đều được công bố và cập nhật trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC đồng thời được niêm yết, công khai tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố  theo quy định và đăng tải đầy đủ nội dung trên Cổng thông tin điện tử của Ngành, Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh. Tính đến ngày 30/11/2017, toàn tỉnh tiếp nhận được 202.489 hồ sơ, trong đó hồ sơ đã giải quyết và trả kết quả 200.516 hồ sơ, còn 1.973 hồ sơ chưa đến hạn đang giải quyết.

Kết quả đạt được

Triển khai tích cực giao dịch điện tử, đây là bước đột phá lớn về tin học hóa trong đăng ký tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn, theo đó các đơn vị lựa chọn hình thức giao dịch điện tử sẽ giảm thời gian đi lại, chờ đợi. Các đơn vị sử dụng lao động chủ động về thời gian nộp hồ sơ, có thể nộp hồ sơ 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết,  duy trì và hoàn thiện Hệ thống thông tin giám định BHYT, thực hiện giám định điện tử hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh BHYT tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh.

Đã triển khai Phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong toàn ngành, giúp xây dựng được hệ thống kho văn bản điện tử tập trung, thuận tiện cho việc tra cứu, tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc nhận và gửi văn bản. Hiện tại, 100% cán bộ, CCVC và các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh đã được cấp địa chỉ thư điện tử để truy cập và sử dụng, thực hiện trao đổi các loại thông tin, văn bản qua địa chỉ mail công vụ.

Trên cơ sở đồng bộ dữ liệu với thông tin mã hộ gia đình, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện cấp mã số BHXH. Đây là mã số định danh duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT, giúp quản lý xuyên suốt qua trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT, kiểm soát việc trốn đóng BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời giúp cắt giảm TTHC, giảm giờ giao dịch, thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Tiếp tục triển khai và áp dụng Phần mềm “Bộ công cụ hỗ trợ tập trung dữ liệu thu, sổ thẻ và tài chính kế toán” - TST. Cập nhật quy tắc kiểm tra thông tin thẻ BHYT của người đi khám bệnh với cơ sở dữ liệu thẻ BHYT tập trung toàn quốc trên Phần mềm TST.

Duy trì và áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo Hệ thống quản lý chất lượng luôn được duy trì, kiểm soát. Văn phòng BHXH tỉnh, BHXH các huyện thị xã, thành phố căn cứ vào các quy định của ngành xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiến trình CCHC, rút ngắn thời gian trả kết quả các TTHC so với quy định, thời gian thực hiện các TTHC để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của cá nhân, doanh nghiệp đã được rút ngắn. Năm 2014 là 335 giờ, năm 2015 giảm xuống còn 189 giờ, năm 2016 là 81 giờ và phấn đấu đến cuối năm 2017, số giờ làm thủ tục BHXH còn 49 giờ. Số TTHC cũng được giảm triệt để: Trước năm 2014 có 118 thủ tục, đến cuối năm 2014 còn 60 thủ tục; năm 2015 là 33 thủ tục; năm 2016 là 32 thủ tục, hiện nay còn 28 thủ tục..  

Việc thực hiện cơ chế “một cửa” và áp dụng những cách thức mới trong việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC trong toàn ngành BHXH tỉnh, trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT và BHTN.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ cũng như trong giao dịch, giải quyết các TTHC với tổ chức, cá nhân.. đã được toàn ngành tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện, từ đó đã rút ngắn được rất nhiều thời gian, chi phí giải quyết TTHC tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp để tiếp tục thực hiện CCHC

Một là, Tiếp tục thực hiện kiểm soát TTHC, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những TTHC không còn phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, các tổ chức, cá nhân được nhận kết quả giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Hai là, Duy trì và áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại BHXH tỉnh và BHXH huyện, thị xã, thành phố đảm bảo Hệ thống quản lý chất lượng luôn được duy trì, kiểm soát.   

Ba là, Tích cực vận động, có giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu chính khi giao dịch với cơ quan BHXH nhằm cắt giảm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi đối với doanh nghiệp. Đồng thời minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC tránh các phiền hà, nhũng nhiễu.

Bốn là, Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bàn giao sổ BHXH cho người lao động quản lý theo quy định của Luật BHXH năm 2014 để cắt giảm toàn bộ thời gian, chi phí đối với doanh nghiệp trong khâu cập nhật và quản lý sổ BHXH.

Năm là, Xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành.

Sáu là, Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất đối với BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo BHXH tỉnh, trong trao đổi, giải quyết công việc giữa các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh và trong giao dịch với tổ chức cá nhân.

Bảy là, Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện CCHC, đặc biệt là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Với những giải pháp như trên, tin tưởng trong thời gian tới BHXH tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.



Nguyễn Thị Xuân  - PGĐ BHXH tỉnh