Ngăn chặn trục lợi BH thất nghiệp: Nhiều thách thức

15/12/2017 03:52 AM




Còn nhiều khó khăn...

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định: Từ khi chính sách BH thất nghiệp có hiệu lực đến nay, NLĐ mới chủ yếu quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN); số người có nhu cầu hỗ trợ học nghề còn thấp (chiếm 5,38% so với số người hưởng TCTN). Riêng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, thực tế từ năm 2015 đến nay, các đơn vị SDLĐ chưa đăng ký hưởng. Số tiền chi TCTN cho NLĐ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng chi quỹ BH thất nghiệp hàng năm. Năm 2015, chi TCTN chiếm 95,07% tổng chi quỹ BH thất nghiệp (chưa bao gồm chi phí quản lý); năm 2016 là 93,69% và 9 tháng đầu năm 2017 là 94,6%.

Nhiều NLĐ thất nghiệp đang tìm việc làm

Trong quá trình thực hiện chính sách BH thất nghiệp, cơ quan BHXH gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, điển hình là tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách ngày càng phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do NLĐ khai báo tình trạng việc làm không trung thực hoặc không khai báo với cơ quan lao động (trực tiếp là Trung tâm DVVL thuộc Sở LĐ-TB&XH), dẫn đến tình trạng vừa đóng, vừa hưởng TCTN. Nhiều trường hợp bị cơ quan BHXH phát hiện khi giải quyết chi trả TCTN lần sau hoặc thông qua rà soát dữ liệu thu BHXH khi họ có việc làm mới. Ngoài ra, còn có tình trạng NLĐ chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BH thất nghiệp…

Trong năm 2015 và 2016, BHXH các tỉnh, thành phố đã phát hiện và đề nghị Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định thu hồi đối với 15.156 người hưởng TCTN sai quy định, với tổng số tiền 70,96 tỉ đồng. Trong đó, tập trung tại một số địa phương như: TP.HCM (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), Bắc Ninh (611 người), Thái Nguyên (603 người), An Giang (730 người)… Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, vẫn còn tới 32,58 tỉ đồng chưa thu hồi được, do cơ quan BHXH không liên lạc được với NLĐ hoặc NLĐ chưa có khả năng truy nộp. Với nhiều trường hợp, việc thu hồi tiền TCTN là rất khó thực hiện, do người hưởng thường không có mặt tại địa phương; nhiều người khi hưởng xong TCTN đã chuyển sang địa phương khác làm việc.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa, đó là tình trạng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong các DN hiện đang xảy ra khá phổ biến và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là do các DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có không ít DN cố tình chây ỳ để chiếm dụng khoản tiền này, dù hàng tháng vẫn khấu trừ phần phải đóng của NLĐ. Tuy nhiên, do chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe, giải pháp khởi kiện chưa hiệu quả, khiến nhiều DN nhờn với luật.

Không những vậy, hầu hết DN chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo tình hình biến động lao động, việc làm tại đơn vị cho Trung tâm DVVL theo quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, nên rất khó phát hiện đơn vị tuyển dụng lao động vào làm mới hoặc cho thôi việc.

Cần chung tay ngăn chặn

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BH thất nghiệp; phòng chống việc lạm dụng, trục lợi quỹ BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm DVVL tổ chức rà soát, đối chiếu dữ liệu quản lý thu BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, qua đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp hưởng chế độ sai quy định.

Việc chi trả TCTN qua tài khoản ATM thuận lợi nhưng cũng khó kiểm soát người hưởng

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra nội bộ việc thu, chi BH thất nghiệp, trong đó tập trung nội dung chi trả TCTN một lần, chi hỗ trợ học nghề giai đoạn từ năm 2014 trở về trước theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật về BH thất nghiệp và xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp nào vượt quá thẩm quyền thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo BHXH Việt Nam, đối với những vụ việc phát hiện giả mạo hồ sơ hưởng BH thất nghiệp mang tính điển hình, gây thiệt hại cho quỹ và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì BHXH các địa phương cần chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm. Qua đó, giúp cảnh báo đối với các cá nhân, đơn vị đang có ý định phạm luật; đồng thời ngăn chặn các hành vi gây thất thoát quỹ, đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chế độ…

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã giao Vụ Thanh tra- Kiểm tra rà soát, củng cố lại đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thanh tra chuyên ngành cho đội ngũ thanh tra viên ở các địa phương, để họ thực hiện tốt công tác thanh tra đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BH thất nghiệp. Đặc biệt, việc thực hiện liên thông dữ liệu thu BHXH, BH thất nghiệp sẽ giúp BHXH các địa phương nắm bắt được kịp thời tình hình đóng, hưởng chế độ; từ đó có giải pháp bảo đảm an toàn nguồn quỹ./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội