BH thất nghiệp - Làm sao bịt “kẽ hở”?

20/12/2017 08:22 AM




Chính sách nhân văn…

Chính sách BH thất nghiệp bắt đầu triển khai thực hiện từ 1/1/2009 theo quy định của Luật BHXH 2006. Thời gian đầu chỉ đạt trên 5,9 triệu người tham gia, đến hết quý III/2017, số người tham gia BH thất nghiệp đã lên trên 11,26 triệu người (chiếm 85,6% trên tổng số người tham gia BHXH bắt buộc). Hằng năm, có hàng trăm ngàn người hưởng trợ cấp, hỗ trợ học nghề, được tư vấn tìm kiếm việc làm miễn phí từ quỹ BH thất nghiệp...

Từ khi có hiệu lực đến nay, chính sách BH thất nghiệp đã góp phần hỗ trợ hàng triệu lượt NLĐ trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống cũng như giúp họ sớm quay lại thị trường lao động. Người tham gia BH thất nghiệp được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định của Luật Việc làm, bao gồm: trợ cấp thất nghiệp (TCTN); hỗ trợ học nghề; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Ngoài ra, NLĐ còn được cấp thẻ BHYT trong thời gian hưởng TCTN. Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn ngành BHXH đã giải quyết và chi trả cho trên 781.000 lượt người hưởng BH thất nghiệp; trong đó chi TCTN cho gần 742.000 lượt người, tăng 22,74% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chức năng, tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách này hiện đang khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do NLĐ khai báo tình trạng việc làm không đúng thực tế, dẫn đến tình trạng vừa đi làm và đóng BHXH, lại vừa hưởng TCTN. Còn có hiện tượng NLĐ di chuyển từ DN này sang DN khác hoặc xin nghỉ việc hưởng TCTN nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn lại quay về làm ở DN cũ.

Ông Trần Xuân Hải- Giám đốc Trung tâm DVVL TP.HCM cho biết, theo quy định tại Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm DVVL. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày Trung tâm DVVL tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng TCTN. Trong “khoảng trống” thời gian này, khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì nhiều NLĐ đã tìm được việc làm mới. Thực tế, nhiều trường hợp vẫn đi làm, nhận lương chỗ mới nhưng vẫn “ung dung” nhận TCTN cho đến khi các ngành chức năng rà soát lại mới phát hiện ra.

Bị lạm dụng nhiều

Ở Đồng Nai, trong năm 2017, Trung tâm DVVL tỉnh phát hiện bà T.T.N.T từ tháng 8/2017 hưởng TCTN với số tiền 18,75 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế bà T. đã có việc làm trong vòng 15 ngày nộp hồ sơ BH thất nghiệp, nên không thuộc diện hưởng trợ cấp; do đó, Trung tâm DVVL đã đề nghị ngành chức năng ra quyết định thu hồi.

Một trường hợp khác là bà H.T.T.T đã hưởng 3 tháng TCTN, song qua rà soát cho thấy bà này cũng không thuộc diện được hưởng, vì trong vòng 15 ngày nộp hồ sơ BH thất nghiệp đã có việc làm mới.

Cũng tại Đồng Nai, trong 10 tháng đầu năm 2017, Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp với BHXH Đồng Nai phát hiện 244 trường hợp vừa đi làm vừa hưởng TCTN, với số tiền đã hưởng là 999 triệu đồng. Trong đó gồm: 9 trường hợp không thuộc diện thất nghiệp (có việc làm trước ngày nộp hồ sơ), 41 trường hợp có việc làm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, 194 trường hợp đang hưởng TCTN tìm được việc làm nhưng không thông báo với Trung tâm DVVL.

Tại TP.HCM, sau khi chấm dứt HĐLĐ, bà N.T.D.T đã làm thủ tục hưởng TCTN với tổng số tiền 70,7 triệu đồng. Tương tự, bà L.T.B.T cũng đã làm thủ tục hưởng TCTN với số tiền 70,3 triệu đồng. Sau khi kiểm tra dữ liệu thông tin, Phòng Chế độ BHXH (BHXH TP.HCM) đã phát hiện 2 trường hợp trên sau khi chấm dứt HĐLĐ đều đã có việc làm, nhưng vẫn thực hiện các thủ tục để hưởng chế độ TCTN.

Theo Trung tâm DVVL TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn có gần 129.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số những NLĐ hưởng TCTN trên địa bàn, Trung tâm phối hợp với BHXH TP.HCM phát hiện khoảng 330 NLĐ có việc làm nhưng vẫn hưởng TCTN với tổng số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng.

Trước đó, theo số liệu tổng hợp của BHXH các địa phương, trong năm 2015 và 2016 đã phát hiện và đề nghị ngành LĐ-TB&XH ban hành quyết định thu hồi đối với 15.156 người hưởng TCTN sai quy định với tổng số tiền 70,96 tỉ đồng. Trong đó, tập trung tại một số địa phương như: TP.HCM (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), An Giang (730 người)… Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, vẫn còn 32,58 tỉ đồng chưa thu hồi được do không liên lạc được với NLĐ, hoặc NLĐ chưa có khả năng nộp lại. Đại diện một số địa phương cho hay, việc thu hồi lại tiền TCTN rất khó khăn, bởi NLĐ thường có tâm lý tiền đã trả vào tay họ là tiền của họ, nên cố tình né tránh không chịu nộp lại…

Luật sư Lê Bình An - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định, trong thời gian hưởng TCTN, nếu NLĐ tìm được việc làm thì sẽ chấm dứt hưởng và thời gian đóng BH thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà NLĐ chưa nhận sẽ được bảo lưu, làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng tiếp theo. Nếu NLĐ nắm rõ quy định này, họ sẽ an tâm bảo lưu thời gian tham gia BH thất nghiệp, chứ không cố tình vi phạm. Do đó, việc tư vấn, tuyên truyền sẽ ảnh hưởng lớn đến ý thức của NLĐ, để khi có việc làm mới, họ sẽ thông báo chứ không cần thiết phải vi phạm.



Nguồn: Báo bảo hiểm xã hội