BH thất nghiệp - Làm sao bịt “kẽ hở”?

03/01/2018 08:56 AM




Lớp học ở… quán cà phê


Hồi tháng 9/2016, anh Nguyễn Trọng Quân, công nhân vận hành máy một DN chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, máy bay đóng tại một KCN ở Biên Hòa đến Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong quá trình làm thủ tục, Quân được nhân viên của Công ty TNHH MTV Kỹ năng Bách Nghệ (gọi tắt là Công ty Bách Nghệ, có văn phòng đặt tại Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai) tư vấn học nghề. Với ý định lập quán ăn để mưu sinh, Quân đăng ký học nghề nấu ăn. “Thời điểm đó, em được giới thiệu các lớp học như: Tin học, làm tóc- trang điểm, lái xe, nấu ăn… Do em đã tính trong đầu là sau này ráng làm quán ăn, nên nghe chị nhân viên Công ty Bách Nghệ tư vấn là có cơ hội học nghề nấu ăn không tốn tiền thì thích quá nên đăng ký”- Quân cho biết.

PV Báo BHXH trao đổi với một NLĐ đã từng học nghề ở... quán cà phê

Cùng đăng ký học nghề nấu ăn với Quân còn có chị Nguyễn Thị Chúc Hương (quê Hậu Giang) và hơn 10 NLĐ khác. Chúc Hương cho biết chọn học nghề này vì chỉ cần chịu khó nấu nướng bán đồ ăn sáng thôi cũng sống được. “Theo tư vấn của nhân viên Công ty Bách Nghệ, lớp học nấu ăn sẽ hoàn tất trong 3 tháng và miễn học phí, quá hợp với dự định của mình nên em phấn khởi, hào hứng với lớp học nấu ăn này lắm”- Hương nói.

Cả Quân, Hương và hàng chục NLĐ khác đều trong tâm thế phấn khởi khi được giới thiệu cơ hội học nghề miễn phí với mong ước thay đổi cách mưu sinh. “Tuy nhiên, đến hôm khai giảng, thì Công ty Bách Nghệ lại điện thoại báo tin thầy dạy bận quá nên dời ngày. Dời tới dời lui mấy chập như vậy, cuối cùng trường cũng bố trí cả lớp gặp thầy ở một quán cà phê điểm tâm sáng trên đường… Đại diện Công ty nói với cả lớp sẽ học nấu ăn tại quán này, giáo viên cũng là chủ quán luôn”- Quân kể lại chuyện học nghề của mình.

Thế nhưng, lớp học nấu ăn tại quán cà phê cũng không suôn sẻ như dự kiến, vì giáo viên kiêm chủ quán vì nhiều lý do không tham gia đứng lớp liên tục. “Lẽ ra tuần học 3 buổi, nhưng cả tuần nhiều khi chỉ học được một buổi, có tuần chẳng được buổi nào. Em tham gia lớp học được chừng 3 buổi thì nản quá nên bỏ luôn. Sau đó, em xin được chân chạy bàn ở một quán ăn, để vừa làm kiếm tiền vừa học nghề và làm ở đó tới nay luôn”- Quân cho biết thêm.

Cùng chung tâm trạng, chị Chúc Hương kể, bản thân chị cũng phải bỏ cuộc vì cách tổ chức lớp học chả giống ai. “Lớp học mà cứ dời tới dời lui ngày học, tới khi học thì lại bắt học trong quán ăn, không bài bản gì cả nên chán quá bỏ luôn. Đúng là họ nói dạy miễn phí nên họ thích làm sao thì làm”- Chúc Hương nói. Vì không học được nghề nấu ăn, nên nữ công nhân này cũng chưa thực hiện được ý định ban đầu. Từ bấy đến nay, Chúc Hương đang phải phụ bán tại một cửa hàng mỹ phẩm trên Quốc lộ 51 để dành dụm tiền tham gia một khóa học nghề nấu ăn “bài bản và tử tế” hơn.

Cho đến nay, hàng chục NLĐ cùng lớp học nấu ăn với Quân và Chúc Hương đã phải bỏ học. Theo quy định về hỗ trợ phí học nghề, những NLĐ thất nghiệp đã đăng ký học nấu ăn với Công ty Bách Nghệ thì không thể chuyển đổi sang cơ sở dạy nghề khác, vì mỗi NLĐ chỉ có thể lựa chọn một lần.

Cam kết khắc phục hậu quả

Theo điều tra của phóng viên, mặc dù lớp học chỉ có khoảng 10 học viên và các học viên chỉ học có vài buổi, nhưng Công ty Bách Nghệ vẫn lập danh sách (có đầy đủ chữ ký của NLĐ) để đề nghị cơ quan BHXH quyết toán. Trong đó, phần lớn học viên được đề nghị thanh toán 3 tháng tiền học nghề và khoản chi phí này đã được cơ quan BHXH chi trả.

Nhiều DN lập lờ việc miễn phí học nghề khiến NLĐ hiểu nhầm

Được biết, Công ty Bách Nghệ được thành lập từ năm 2016 và tham gia phối hợp đào tạo nghề tại Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai từ đó đến nay. Đến thời điểm này, NLĐ thất nghiệp là đối tượng duy nhất mà công ty này hướng đến. Riêng năm 2016, Công ty Bách Nghệ được cơ quan BHXH chi trả tiền hỗ trợ NLĐ thất nghiệp học nghề lên đến 129 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, danh sách NLĐ thất nghiệp tham gia các lớp học của Công ty Bách Nghệ ngày càng tăng; riêng tháng 10/2017, số tiền chi hỗ trợ học nghề cho Công ty Bách Nghệ khoảng 80 triệu đồng (cho 80 học viên).

Trước những chứng cứ mà phóng viên Báo BHXH đưa ra, ông Nguyễn Minh Tuấn- đại diện Công ty Bách Nghệ đã thừa nhận sự việc là có thật. Theo giải thích của ông Tuấn, vị giáo viên dạy nấu ăn mà Công ty Bách Nghệ hợp tác để mở lớp dính líu đến chuyện cờ bạc, nợ nần đến độ bị “xiết nợ” quán. Việc lớp học “bị giải tán”, theo ông Tuấn, là ngoài ý muốn nên “sắp tới Công ty sẽ liên hệ với các học viên của lớp học này để mở lại lớp cho tròn trách nhiệm”.

Về việc lập danh sách nhận tiền hỗ trợ học nghề không đúng thực tế, ông Tuấn thừa nhận, đó là “sai sót” của Công ty trong bối cảnh mới “chân ướt chân ráo” đi vào hoạt động, thiếu nhân sự và kỹ năng quản lý. “Sai tới đâu chúng tôi xin nhận và khắc phục đến đấy, bao gồm cả việc trả lại tiền hỗ trợ học nghề mà Công ty đã nhận. Công ty sẽ liên hệ với BHXH Đồng Nai để khắc phục hậu quả, hoàn trả lại số tiền đề nghị thanh toán không đúng quy định”- ông Tuấn cho biết.

Liên quan đến sự việc tại Công ty Bách Nghệ do phóng viên Báo BHXH cung cấp, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết, BHXH tỉnh sẽ rà soát, kiểm tra lại việc quyết toán của Công ty. Trường hợp phát hiện các vi phạm, sẽ phối hợp với các ngành chức năng có hướng xử lý cụ thể.



Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội