Từ ngày 01/01/2018: Thay đổi cách tính lương hưu như thế nào?

16/01/2018 12:48 AM




Khi tham gia BHXH, người lao động phải trích một khoản phí cùng với người sử dụng lao động nộp vào quỹ BHXH, khi gặp rủi ro như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất…. làm cho chi phí gia đình tăng lên, phải ngừng làm việc tạm thời hoặc mất việc làm… thu nhập của gia đình bị giảm, đời sống kinh tế lâm vào tình cảnh khó khăn …. chính sách BHXH sẽ bù đắp một phần thu nhập bị mất hoặc bị giảm, để giúp người lao động ổn định đời sống tối thiểu cho gia đình họ. Đặc biệt người lao động khi về già, hết khả năng lao động họ được thụ hưởng lương hưu theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít…

Như vậy, cách tính lương hưu mới như thế nào?

Kể từ ngày 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%. Đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Lao động nam hiện đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm. Theo đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%. Đến năm 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%.

Trường hợp người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu thời gian đóng BHXH dưới sáu tháng thì thông qua đơn vị sử dụng lao động đóng đủ thời gian còn thiếu cho người lao động. Trường hợp thời gian đóng còn thiếu quá sáu tháng thì người lao động có thể liên hệ cơ quan BHXH để tham gia BHXH tự nguyện.

Nghỉ hưu sớm bị trừ 2%/năm

Theo quy định mới của Luật BHXH không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi so với người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. Vì Luật BHXH đã quy định từ năm 2018 trở đi tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Như vậy, tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn chứ không thấp hơn. Lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố như tỉ lệ hưởng, tiền lương đóng BHXH bình quân, thời điểm hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu, vì vậy không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 cũng đều có lợi hơn. Đồng thời Luật BHXH đã quy định tăng dần tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động theo giám định y khoa: Nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi (trước đây là nam 50 tuổi và nữ 45 tuổi) và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Sau đó thực hiện lộ trình tăng dần điều kiện về hưu trước tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Kể từ năm 2018 có sự thay đổi về cách tính tỉ lệ phần trăm lương hưu đối với cả nam và nữ nếu về hưu trước tuổi. Nếu người lao động nghỉ hưu sớm trước năm 2018 để 15 năm đầu đóng BHXH được tính hưởng 45% thì cũng cần lưu ý Luật cũng có quy định là nghỉ hưu sớm mỗi năm sẽ bị trừ tương ứng 2% (trước năm 2016 tỉ lệ giảm trừ chỉ là 1%). Trong khi đó, nếu tiếp tục đóng BHXH thêm một năm thì tỉ lệ lương hưu cũng tăng tương ứng 2%” .

Tỷ lệ hưởng lương hưu trước và sau ngày 01/01/2018, cùng mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
(Nguồn BHXH Việt Nam. Đồ họa của VNE)

Có thể khẳng định, về cơ bản sự thay đổi cách tính lương hưu theo quy định mới, không làm thay đổi bản chất tính nhân văn của chính sách BHXH cũng như điều kiện hưởng, vì vậy để được thụ hưởng mức lương hưu tối đa theo quy định, người lao động hãy tích cực tham gia BHXH với thời gian tối đa 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, hãy cân nhắc trước khi thanh toán trợ cấp BHXH một lần để tích lũy thời gian tham gia, không nghỉ hưu sớm khi đang còn sức lao động để có mức sống khá khi về già./.

Trương Văn Bá
Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra BHXH tỉnh