Chỉ cấp 1 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho mỗi lần khám bệnh

03/03/2018 04:21 AM



Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, mỗi lần khám người bệnh chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nếu nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Bên cạnh đó Thông tư cũng có quy định cụ thể về các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 01 lần; bao gồm: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn; Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự phục vụ được nhu cầu sinh hoạt, cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Dữ liệu khám, chữa bệnh phải được gửi ngay khi kết thúc đợt điều trị

Nội dung này được đưa ra tại Thông tư 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 quy định về trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể, cơ sở khám, chữa bệnh phải gửi dữ liệu điện tử về khám, chữa bệnh lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh hoặc đợt điều trị ngoại trú hoặc nội trú của người bệnh. Đồng thời, phải kiểm tra, đối chiếu, xác thực các dữ liệu này trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi kết thúc việc khám, chữa bệnh.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Người đủ 15 tuổi được dùng thẻ tín dụng, không cần tài sản bảo đảm

Nhiều quy định mới về thẻ ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Thông tư 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 03/03/2018.

Trước tiên, Thông tư quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; trước đây, đối tượng này cần phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này. Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước; thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây.

Về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, Thông tư chỉ rõ: Một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

Đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng phải ghi thông tin của bố mẹ

Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/03/2018, đơn thuốc điều trị ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc.

Cũng theo Thông tư này, cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu bản chính hoặc bản sao đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc lưu thông tin về đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus, gồm: Tên, địa chỉ cơ sở khám, chữa bệnh; Tên người kê đơn, người bệnh; Tên thuốc… trong 01 năm. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không dùng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho nơi đã cấp hoặc bán thuốc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Ảnh minh họa.

Tỷ lệ hao hụt thuốc được thanh toán là 0,1%

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 55/2017/TT-BYT quy định tỷ lệ hao hụt tối đa được thanh toán của các mặt hàng thuốc sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh so với tổng giá trị thuốc sử dụng tại năm quyết toán là 0,1%.

Trong đó, các trường hợp thuốc được thanh toán hao hụt gồm: Thuốc cấp cứu, chống độc, thuốc hiếm bắt buộc phải dự trữ bị quá hạn sử dụng được thanh toán chi phí hao hụt đối với số lượng thuốc bị quá hạn trong công đoạn dự trữ, bảo quản tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thuốc bị hỏng, vỡ trong công đoạn dự trữ, bảo quản, vận chuyển… do nguyên nhân khách quan; Thuốc bị hao hụt trong quá trình pha chế, phân chia liều trước khi cấp phát cho người bệnh.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Dự thầu qua mạng, nhà thầu phải được ngân hàng bảo lãnh

Khi tham dự thầu qua mạng, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác phát hành. Việc bảo lãnh dự thầu có thể thực hiện qua mạng (đối với những ngân hàng, tổ chức tín dụng đã kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia), hoặc nhà thầu scan thư bảo lãnh của ngân hàng, đính kèm khi nộp hồ sơ dự thầu và cam kết nộp bản gốc bảo lãnh dự thầu (với những ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa có kết nối đến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia).

Ngoài ra, file do bên mời thầu, nhà thầu đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải có định dạng word, excel, PDF, CAD, các định dạng ảnh, phông chữ thuộc bảng mã Unicode. Đồng thời, file không bị nhiễm virus, không bị lỗi, hỏng và không có mật khẩu.

Trên đây là nội dung quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Ảnh minh họa.

Công chức sẽ được đánh giá về tinh thần hợp tác với đồng nghiệp

Đây là một trong những nội dung đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Thông tư 10/2017/TT-BNV, có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Cụ thể, sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, cán bộ, công chức sẽ được đánh giá về hiệu quả sau bồi dưỡng với các nội dung đánh giá như: Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; Kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; Kỹ năng giải quyết vấn đề được nâng lên; Tính chủ động, tích cực và trách nhiệm trong công việc; Tinh thần hợp tác với đồng nghiệp.

Việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng nhằm cung cấp cho các cơ quan, tổ chức đánh giá, cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Kỷ luật công chức được cử đi học mà tự ý bỏ học

Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định, sẽ kỷ luật đối với cán bộ, công chức được cử đi học ở nước ngoài nhưng không chấp hành quy định của đoàn, bỏ học không có lý do; vi phạm nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc pháp luật của nước sở tại; không chấp hành các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ luật phát ngôn, giữ bí mật của Nhà nước; về nước không đúng thời hạn; không chấp hành chế độ báo cáo theo quy định.

Cũng theo Thông tư này, chậm nhất sau 15 ngày từ ngày về nước, các cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học phải gửi báo cáo về cơ quan quyết định thành lập đoàn; cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Trong báo cáo phải thể hiện rõ những kiến thức, kinh nghiệm đã tiếp thu trong quá trình được học ở nước ngoài và đề xuất vận dụng vào công tác chuyên môn, quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị đang công tác.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam