Vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt tù

12/03/2018 01:58 AM




Tuy vậy, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN xảy ra ngày càng đa dạng như: vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN, vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN chủ yếu tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk,  tính đến ngày 31/12/2017 số nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến gần 60  tỷ đồng, chiếm trên 2% kế hoạch thu. Đây là khó khăn lớn nhất cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động gần như bỏ rơi người lao động, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động, thậm chí nhiều doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ đối với người lao động, mặc dù  BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản dưới Luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoặc vì nhiều lý do khác…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu chỉ đạo Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, nghiệp vụ kiểm tra tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong những năm qua, mặc dù BHXH tỉnh đã có nhiều biện pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN như thanh tra, kiểm tra, áp dụng chế tài xử phạt các hành vi nói trên, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN vẫn không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng, việc khởi kiện các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT ra tòa cũng là một vấn đề nan giải, bất cập từ ngành tòa án... Tính đến ngày 31/12/2017 BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ qua cơ quan Liên đoàn lao động tỉnh trên 30 đơn vị, tổng số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa khởi kiện được đơn vị nào. Có thể thấy, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đã gây hậu quả nghiêm trọng, không những thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT mà còn ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ, làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật về chính sách BHXH, BHYT nói riêng, về mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung.

Do vậy, hình sự hóa tội danh trốn đóng BHXH, BHYT vào trong Bộ Luật hình sự  sửa đổi lần này  là cần thiết.

Theo đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự 2015 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; trong đó có quy định xử lý hình sự với tội gian lận BHXH, BHTN, tội gian lận BHYT, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Tội gian lận BHTN có thể bị phạt tù 5 năm


Theo Điều 214 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Đáng chú ý nếu chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN 500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Cũng theo Điều 214, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tội chiếm đoạt tiền BHYT phạt tù tới 10 năm

Theo Điều 215 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Cụ thể lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.

Ngoài ra nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

Đáng chú ý nếu chiếm đoạt tiền BHYT 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tội trốn đóng BHXH phạt tù cao nhất đến 7 năm

Điều 216 Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm. Cụ thể: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định tại Điểm a hoặc Điểm b, Khoản 1, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định tại Điểm b hoặc Điểm c, Khoản 2, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN là đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp, sự bình đẳng trước pháp luật, tiến tới nền hành chính thực hiện theo thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật.

Để Bộ luật hình sự thật sự đi vào cuộc sống,  người sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ nghiêm việc đóng BHXH, BHYT, BHTN .. cơ quan BHXH các cấp cần phải phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt là ngành Lao động Thương binh và Xã hội, ngành Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên liên tục Luật BHXH, Luật BHYT, Bộ Luật hình sự sửa đổi bằng nhiều hình thức.. ngành BHXH tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia và thụ hưởng, điều quan trong nhất là giải quyết kịp thời các quyền lợi về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia.. ngoài ra, Nhà nước cần có sự thay đổi chính sách an sinh xã hội cho phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, quản lý quỹ hiệu quả, an toàn, làm cho người dân thật sự yên tâm, tin tưởng vào tính nhân văn cao cả của chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng, chính sách an sinh xã hội nói chung của Đảng và Nhà nước./.



Nguyễn Thị Xuân
PGĐ BHXH tỉnh Đắk Lắk