Tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN

27/03/2018 02:38 AM




Sau hơn 20 năm với nhiều lần sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã khẳng định tính đúng đắn và ưu việt, đối tượng tham gia và hưởng các chế độ không ngừng tăng lên. Tại tỉnh Đắk Lắk, năm 1995 có 37.462 người tham gia, đến năm 2017 đã có 1.535.025 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; số thu cũng tăng tương ứng từ 21.763 triệu đồng lên 2.651.170 triệu đồng. Đến nay, BHXH tỉnh đã quản lý trên 4.509 đơn vị với 102.017 người lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, 2.109 người tham gia BHXH tự nguyện, 87.099 người tham gia BHTN; tổng số đối tượng hưởng BHXH thường xuyên hiện có 32.388 người, trong đó đối tượng hưởng từ nguồn ngân sách nhà nước là 11.873 người, đối tượng do nguồn quỹ BHXH chi trả là 20.515 người. Tổng chi trong năm 2017 là 3.022.732 triệu đồng, trong đó, chi trả các chế độ BHXH là 1.954.732 triệu đồng, chi BHTN là 57.672 triệu đồng, ước chi BHYT là 1.128.000 đồng. BHXH, BHYT, BHTN thực sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc của người lao động, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, mặt trái của kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng, bảo vệ các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra phổ biến ở các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh; thậm chí nhiều doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động để sử dụng vào mục đích khác; việc lạm dụng quỹ BHYT, trục lợi BHXH, BHTN thông qua việc lập hồ sơ khống, hồ sơ giả để hưởng các chế độ... cũng đã xãy ra làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Vì vậy, đòi hỏi ngành BHXH cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo chính sách BHXH, BHYT, BHTN đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công an tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi bên thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ và chức năng của mình trong quá trình đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về chính sách  BHXH, BHYT, BHTN.

Hội nghị sơ kết công tác phối hợp giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh giai đoạn 2012-2017

Theo thống kê của các ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 6.420 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, số lao động được sử dụng là 61.276 người, tuy nhiên, chỉ có 2.775 doanh nghiệp với 39.280 lao động đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN; số doanh nghiệp và người lao động chưa được đăng ký tham gia là khá lớn, nhiều đơn vị không đóng hoặc đóng không đầy đủ số lao động và mức lương theo quy định, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng, trong năm 2017 tỉnh Đắk Lắk số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lên đến 80,7 tỷ đồng, chiếm 2,28% tổng số thu, nhiều doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài nhiều năm. ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. cơ quan BHXH đã có nhiều biện pháp như : chuyển Liên đoàn lao động tỉnh khởi kiện theo Luật BHXH, đề nghị các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT... tuy nhiên đến nay hầu như chưa thực hiện được, còn nhiều bất cập trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, mặc khác do chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, do áp lực của việc làm nên người lao động không dám đấu tranh để tự bảo vệ quyền lợi của mình, do vậy, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong đó vai trò của ngành Công an và ngành BHXH là quan trọng nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN là nhiệm vụ hết sức khẩn trương và cần thiết. Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành từ năm 2018 là cơ sở pháp lý đủ mạnh trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.  

Hành vi trục lợi BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn diễn ra, trên bình diện chung, xảy ra ở rất nhiều địa phương và trong các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, trong đó trục lợi đối với chế độ BHYT, BHXH ngắn hạn và BHTN là nhiều hơn cả. Đối với chế độ BHYT, trong nhiều năm liền, Đắk Lắk là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giám định BHYT, đảm bảo thực hiện tốt việc khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe đối với người tham gia BHYT, cân đối được nguồn quỹ KCB theo phân cấp, tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhiều cơ sở KCB đã chi vượt quỹ KCB so với số tiền quỹ được giao, trong năm 2017, ước chi quỹ BHYT của toàn tỉnh là 1.128 tỷ đồng, vượt 17% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Bên cạnh nguyên nhân do thay đổi cơ chế chính sách các dịch vụ y tế tăng cao, một số cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu lạm chi quỹ KCB như : chỉ định cận lâm sàng trên mức cần thiết, không chấp nhận kết quả siêu âm, xét nghiệm của các cơ sở KCB khác, chỉ định thuốc, vật tư y tế có lúc, có nơi chưa hợp lý, chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú chưa hợp lý so với diễn biến bệnh... dẫn đến chi phí thanh toán BHYT tăng cao, làm mất cân đối quỹ.

Đối với chế độ BHTN, nhiều trường hợp chuyển chỗ làm, có việc làm mới ngay sau nghỉ việc nhưng vẫn đăng ký hưởng BHTN, hoặc người lao động thông đồng với doanh nghiệp giả nghỉ việc để được hưởng BHTN, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN... BHXH tỉnh cũng đã kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp hưởng không đúng, thu hồi hàng chục triệu đồng hoàn trả lại quỹ, tuy nhiên, việc đấu tranh phòng chống hành vi trục lợi quỹ BHTN rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp nhằm phòng, chống những lệch lạc trong việc thực hiện chế độ BHTN.

Đối với các chế độ BHXH ngắn hạn trong thời gian vừa qua cũng còn xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHXH như người lao động không ốm đau hoặc ốm đau chưa đến mức phải nghỉ việc nhưng vẫn xin xác nhận nghỉ việc do ốm đau tại các cơ sở KCB để được hưởng chế độ BHXH, tình trạng này xãy ra ở hầu hết các doanh nghiệp thực hiện trả lương theo cơ chế khoán như các doanh nghiệp cà phê, cao su...Trong thời gian qua, BHXH tỉnh và Công an tỉnh cũng đã phối hợp kiểm tra, xác minh và thực hiện thu hồi hàng trăm triệu đồng hưởng không đúng các chế độ ngắn hạn nộp vào quỹ BHXH. Lạm dụng chế độ thai sản diễn ra dưới hình thức như gửi đóng BHXH, truy đóng BHXH để được hưởng chế độ thai sản, thậm chí còn làm giả cả giấy khai sinh để được hưởng chế độ thai sản như đã từng xảy ra ở một doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh. Biểu hiện của lạm dụng quỹ BHXH từ các chế độ ngắn hạn không khó nhận diện, tuy nhiên, trong thời gian qua việc xử lý các vi phạm này chủ yếu là thu hồi tiền hưởng sai nộp vào nguồn quỹ, chưa có chế tài đủ mạnh nên tình trạng này vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện chương trình phối hợp giữa hai ngành không những đấu tranh phòng, chống việc làm dụng quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà cần những chế tài đủ mạnh,  hình sự hóa một vài trường hợp để đủ sức răn đe, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng. 

Những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN rất đa dạng, những biểu hiện nêu trên là hành vi dễ nhận biết và đã bị phát hiện xử lý trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Để công tác phòng chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN có hiệu quả thì nhất thiết phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban ngành có liên quan, trong đó phối hợp giữa ngành BHXH và Công an là hết sức quan trọng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của hai ngành, hy vọng trong thời gian tới những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN sẽ được ngăn ngừa, hạn chế tối đa nhằm đảm bảo chính sách xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng ngày càng phát triển ổn định, bền vững. /.




Trương Văn Bá