Sửa quy định xử phạt trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp: Chủ DN sẽ bị phạt 18%-20% tổng số tiền vi phạm?

03/04/2018 02:44 AM




Theo đó, Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương, 56 Điều, trong đó dành một chương quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH (3 Điều).

Cụ thể: Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với NLĐ có hành vi thỏa thuận với người SDLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định. Người SDLĐ bị phạt tiền từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng với một trong các hành vi: Trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp; chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp.

Đối với hành vi trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp của toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia bắt buộc, chủ SDLĐ sẽ bị phạt từ 18%-20% tổng số tiền phải đóng, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Đối với các vi phạm về lập hồ sơ hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp, Nghị định quy định phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng; NLĐ bị phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về BH thất nghiệp như: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm DVVL khi có việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN); NLĐ đang hưởng TCTN không thông báo với Trung tâm DVVL khi thuộc một trong các trường hợp (tìm được việc làm, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, hưởng lương hưu hằng tháng, ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc).

Bên cạnh đó, người SDLĐ cũng bị phạt từ 2.000.000-4.000.000 đồng do không thông báo với Trung tâm DVVL khi có biến động lao động tại đơn vị; từ 5.000.000-10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ để trục lợi chế độ BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; từ 10.000.000-20.000.000 đồng với hành vi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ không đúng quy định.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các mức phạt tiền với các hành vi như: Không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH, BH thất nghiệp khi NLĐ hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu; không làm văn bản đề nghị cơ quan BHXH xác nhận việc đóng BH thất nghiệp cho NLĐ; không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH cho NLĐ; không lập hồ sơ tham gia BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ…

Bên cạnh các hình phạt bằng tiền, Nghị định cũng quy định NLĐ, người SDLĐ phải khắc phục hậu quả bằng cách bồi hoàn vào quỹ BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND cấp xã được quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 37.500.000 đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH; Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phạt tiền đến 75.000.000 đồng.

Đáng chú ý, Giám đốc BHXH tỉnh có quyền xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 37.500.000 đồng; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc quyết định thành lập có quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng cũng như áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BH thất nghiệp.

Cùng với đó, Điều 15 của Nghị định cũng quy định mức xử phạt đối với các vi phạm về tiền lương. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng khi người SDLĐ không gửi thang bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện. Phạt đến 5.000.000 đồng với một trong các hành vi: Không xây dựng thang bảng lương, định mức lao động hoặc xây dựng không đúng quy định; sử dụng không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không công bố công khai tại nơi làm việc thang bảng lương, quy chế thưởng; không thông báo cho NLĐ biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện.

Mặt khác, người SDLĐ trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định sẽ bị phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 lao động trở lên. Người SDLĐ không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng BHXH, BHYT và tiền nghỉ phép hằng năm cho NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT sẽ bị phạt từ 3.000.000-20.000.000 đồng…




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội