Người dân được hưởng quyền lợi gì khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

08/04/2018 07:15 AM




Mục tiêu chính của chính sách BHXH tự nguyện là đảm bảo khi về già người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu để đảm bảo ổn định cuộc sống. Có thể nói, chế độ hưu trí là trụ cột trong chính sách BHXH tự nguyện. Về điều kiện hưởng, cách tính lương hưu, mức hưởng… cơ bản giống với chế độ hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, người dân phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên và hết tuổi lao động (nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi) thì đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, tỷ lệ hưởng lương hưu tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH, kể từ năm 2022 trở đi mức hưởng thấp nhất  bằng 55% đối với nữ và 45% đối với nam, cao nhất bằng 75% mức bình quân của mức thu nhập tháng đã kê khai đóng BHXH tự nguyện.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Về thời gian hưởng chế độ hưu trí là không hạn chế, người hưởng lương hưu được thụ hưởng cho đến khi qua đời, nếu không may qua đời trong tháng thứ nhất hoặc tháng thứ 2 sau khi nhận lương hưu thì thân nhân của họ được nhận tiền tuất một lần là 48 tháng lương hưu và trợ cấp mai táng phí, từ tháng thứ 3 trở đi cứ mỗi tháng đã nhận lương hưu bị trừ 0,5 tháng… thấp nhất thân nhân của họ được nhận tối thiểu là 3 tháng lương hưu (Ví dụ như ông A đóng BHXH tự nguyện, mới nhận lương hưu được 2 năm (24 tháng) thì từ trần, số tiền tuất mà thân nhân của ông còn được hưởng từ lương hưu của ông là: 48 tháng  – 24/2 tháng  = 36 tháng lương hưu và trợ cấp mai táng. Nếu người hưởng lương hưu đã hưởng đủ 8 năm trở lên mà chết thì mức trợ cấp còn lại mà thân nhân của họ được hưởng tối thiểu là 3 tháng lương hưu cộng với trợ cấp mai táng).

Người dân đóng BHXH tự nguyện khi được hưởng lương hưu sẽ được quỹ hưu trí đóng bảo hiểm y tế suốt đời, như vậy, người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu không may ốm đau, bệnh tật.

Ngoài chế độ hưu trí, người dân đang tham gia BHXH tự nguyện không may qua đời thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tử tuất bằng 2 tháng lương bình quân (thu nhập bình quân) cho mỗi năm đóng BHXH, nếu thời gian đóng BHXH trước năm 2014 thì được hưởng bằng 1,5 tháng. Nếu đóng BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên thì thân nhân còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết (mức lương cơ sở hiện nay là 1.300.000 đồng).

Trong quá trình đóng BHXH tự nguyện, nếu có khó khăn về tài chính, thu nhập bị giảm thì người dân có thể tạm ngừng đóng BHXH để bảo lưu thời gian đã đóng, sau đó có thể tiếp tục đóng, thời gian tính hưởng BHXH là thời gian cộng dồn tất cả các thời gian đã đóng BHXH  tự nguyện (được cộng dồn cả thời gian tham gia BHXH bắt buộc với thời gian tham gia BHXH tự nguyện). Trong trường hợp bất khả kháng mà không thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện nữa thì người dân có thể nhận trợ cấp BHXH một lần, mức trợ cấp BHXH một lần bằng 2 tháng lương bình quân (thu nhập bình quân) cho mỗi năm đóng BHXH, nếu thời gian đóng BHXH trước năm 2014 thì được hưởng bằng 1,5 tháng.

Điều đặc biệt là tiền đóng BHXH tự nguyện được bảo toàn theo chỉ số trượt giá, điều đó đảm bảo cho người dân nhận lương hưu hay trợ cấp BHXH tương xứng với giá trị đồng tiền mà mình đã đóng. Hàng năm, trên cơ sở chỉ số trượt giá mà Chính phủ quy định tiền đóng BHXH được điều chỉnh tăng theo tỷ lệ. theo thống kê thì từ năm 2000 đến nay lương hưu đã được thực hiện 20 lần điều chỉnh tăng. Ví dụ: Năm 1994 người lao động tham gia BHXH với mức lương là 1.000.000 đồng, đến năm 2018 được hưởng lương hưu thì mức trượt giá được tính bằng 1.000.000 x 4,56 =  4.560.000 đồng; hoặc năm 2008 người dân đăng ký mức thu nhập làm cơ sở đóng BHXH tự nguyện là 1.000.000 đồng, đến năm 2018 hưởng chế độ BHXH thì tiền đóng được quy đổi bằng 1.000.000 x 1,79 = 1.790.000 đồng. Định chế tài chính này là một chính sách ưu việt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH nói chung và chính sách BHXH tự nguyện nói riêng./.



Trương Văn Bá