Nghị quyết 20-NQ/TW: Hướng tới đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế

14/06/2018 04:32 AM




Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần... ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ chưa được khắc phục căn bản. Trong khi đó, sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk

Mục tiêu của Nghị quyết 20- NQ/TW đó là nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Chính vì vậy, đổi mới tài chính y tế là xu hướng tất yếu và là nhu cầu của xã hội, tất cả mọi quá trình phát triển từ trước đến nay trong lịch sử đều gắn liền với sự đổi mới, nền tài chính y tế của Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng tất yếu đó. Ở nước ta, việc tài chính y tế chậm đổi mới so với sự phát triển chung của xã hội dẫn tới trì trệ hoặc phát triển không như mong muốn. Điều này có thể dẫn tới nhiều hậu quả như nền tài chính y tế nước ta không được thế giới đánh giá cao về nhiều mặt như chi phí từ tiền túi lớn, phương thức chi trả theo từng dịch vụ y tế, tính lành mạnh thấp, độ minh bạch không cao...Hiện tượng “lệ phí ngầm” tại các cơ sở y tế mặc dù không công khai nhưng rất khó có thể phủ nhận hiện tượng này không tồn tại. Tình trạng người bệnh phải làm nhiều xét nghiệm khá phổ biến khi đến các cơ sở y tế tư nhân và cả các cơ sở y tế Nhà nước...

Các vấn đề này cho thấy nếu chậm đổi mới cơ chế tài chính y tế có thể sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và hậu quả xấu khác cho người dân và xã hội.

Đổi mới tài chính y tế-xu hướng tất yếu của xã hội. Đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công để tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động có hiệu quả trong các nhiệm vụ của mình. Trong Nghị quyết nêu rõ, cần tăng cường đầu tư và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

Ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.

Nghị quyết nhấn mạnh việc thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách nhà nước bảo đảm là chủ yếu. Đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả; ngân sách nhà nước bảo đảm đối với một số đối tượng chính sách... Ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế bảo đảm chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản; người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần vượt mức. Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại...

Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập... Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa để lạm dụng các nguồn lực công phục vụ các "nhóm lợi ích", tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nâng cao hiệu quả quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo. Đẩy mạnh phương thức nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện cơ chế giá gắn với chất lượng dịch vụ, khuyến khích sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến dưới.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế.

Có thể khẳng định, đổi mới tài chính y tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc đầu tư cho sức khỏe nhằm hướng tới mục tiêu phát triển, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần làm tốt chính sách an sinh xã hội./.


Nguyễn Thị Xuân - PGĐ BHXH tỉnh Đắk Lắk