Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT- Hướng tới phát triển bền vững

16/07/2018 10:05 AM




Trong những năm qua, chính sách BHYT của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, số người tham gia BHYT tăng dần qua các năm, tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước hiện đã đạt gần 87%, trong đó phải kể đến đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã khẳng định nhất quán tầm nhìn có tính chiến lược này, với các mục tiêu hết sức cụ thể; luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ năm 2015 với một số quy định tác động trực tiếp đến số người tham gia BHYT, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT; quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được đảm bảo, thể hiện vai trò thiết thực của BHYT; công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHYT ngày càng được tăng cường, đẩy mạnh, qua công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về tính nhân văn của chính sách BHYT từ đó họ tự giác tham gia; hệ thống Đại lý thu ngày càng được mở rộng, đảm bảo đủ mạnh về chất lượng và số lượng, phối hợp tuyên truyền, vận động và thông tin kịp thời những thay đổi về chế độ, chính sách BHYT đến người tham gia.

Tập huấn nghiệp vụ cho đại lý thu là cộng tác viên dân số tại huyện Krông Bông

Đối với tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua công tác BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số người tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo, chất lượng các dịch vụ y tế từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là các nhóm dễ tổn thương trong xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức, đến 31/12/2017 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 81,77%, dự kiến năm 2018 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 84,5% dân số, đối tượng còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu trong nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, trong đó đa phần là nông dân, lao động tự tạo việc làm… và là nhóm khó vận động tham gia BHYT nhất. Trong tổng số người tham gia BHYT hiện nay (hơn 1,5 triệu người), số được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng chiếm tỷ trọng tương đối lớn (người nghèo, cận nghèo, người đang sinh sống vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống vùng khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo…), do vậy khi có sự điều chỉnh thay đổi chính sách dễ có sự biến động về tỷ lệ tham gia BHYT theo hướng giảm xuống, nhất là nhóm đối tượng được hỗ trợ đóng ở mức cao và theo từng giai đoạn (người thuộc hộ cận nghèo...), vì vậy, mục tiêu đến năm 2020 đạt trên 90% người dân tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 là một thách thức lớn.

Tuy nhiên, khi giá dịch vụ y tế tăng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo, người dân sẽ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của BHYT, từ đó tự giác tham gia.

Đối với cơ quan BHXH tiếp tục phối hợp với các ngành LĐTB&XH, ngành Y Tế tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao đưa chỉ tiêu phát triển BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, Đoàn thể trong việc chỉ đạo, vận động người dân tham gia BHYT, duy trì và hướng tới hoàn thành việc phát triển BHYT theo lộ trình được Chính phủ giao.Tiếp tục mở rộng hệ thống Đại lý thu đủ mạnh về chất lượng và số lượng, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong việc vận động người dân tham gia, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thông tin kịp thời những thay đổi về chế độ, chính sách BHYT đến người tham gia, nhất là kịp thời thông báo cho người dân biết khi thẻ BHYT sắp hết hạn để đảm bảo quá trình tham gia BHYT liên tục, phải niêm yết biển hiệu, chỉ dẫn công khai địa chỉ, cách thức thực hiện các thủ tục nộp BHYT theo hộ gia đình, thông báo số điện thoại hỗ trợ và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

Công tác tuyên truyền cần được tăng cường, đẩy mạnh và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển đối tượng, đặc biệt nhóm tham gia BHYT hộ gia đình tự đóng cần phải đổi mới hình thức, chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, tổ chức tuyên truyền đối thoại trực tiếp với người dân về chính sách BHYT đến tận thôn, buôn, tổ dân phố…để mọi người dân nắm vững về quyền lợi, cũng như tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT nếu không may ốm đau, bệnh tật nhất là bệnh hiểm nghèo, tăng cường truyền thông đến nhóm đối tượng đang được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng (hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn…) để họ tiếp tục tham gia BHYT khi không còn thuộc diện được cấp thẻ BHYT hoặc hỗ trợ mức đóng.

Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT phải thực hiện đồng bộ cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chi trả kịp thời, đảm bảo các chế độ BHYT, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, hướng tới sự hài lòng của người tham gia, có như vậy tỷ lệ bao phủ BHYT mới thực sự bền vững./.



Lê Xuân Khánh - Phòng Khai thác và thu nợ