Kháng kháng sinh có thể làm thiệt hại nền kinh tế toàn cầu tới 3,4 nghìn tỷ USD mỗi năm

17/07/2018 02:15 AM




Kể từ khi được đưa vào sử dụng cách đây khoảng 70 năm, các kháng sinh đã lập nên kỳ tích, khi cứu sống thành công hàng trăm triệu người trên trái đất của chúng ta. Tuy nhiên, mỗi lần sử dụng kháng sinh, thậm chí dù là cẩn trọng nhất đi chăng nữa, vẫn sẽ tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh kháng kháng sinh.


Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành một hiện tượng phổ biến trên toàn cầu (tình trạng kháng thuốc được hiểu là khi các tác nhân gây bệnh trải qua những thay đổi tiến hóa thích nghi, cho phép chúng có thể chịu được kháng sinh).

Kết quả, các thuốc kháng sinh mất đi khả năng chữa bệnh một cách nhanh chóng. Nếu xu thế này tiếp tục, loài người có thể đối mặt với nhiều hệ lụy mà trước đó được xem là thành tựu. Do đó, dẫn tới tăng trưởng kinh tế, phát triển và xóa đói giảm nghèo cũng chắc chắn bị ảnh hưởng.

Theo dự báo mới nhất của một nhóm nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hiện tượng kháng kháng sinh có thể làm thiệt hại to lớn đến nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050. Với hai kịch bản về tác động của hiện tượng kháng kháng sinh, nhóm nghiên cứu cho biết, với mô hình mô phỏng để đánh giá tác động trên hai phương diện nguồn cung lao động và năng suất chăn nuôi cho thấy, với kịch bản thứ nhất- tác động giả định ở mức thấp- tổng sản phẩm toàn cầu sẽ giảm 1,1%, tương đương trên một nghìn tỷ USD. Trong trường hợp dự báo, giả định ảnh hưởng của hiện tượng kháng thuốc ở mức độ cao, thì toàn thế giới sẽ mất đi 3,8% GDP, tương đương với 3,4 nghìn tỷ mỗi năm kể từ năm 2030 trở đi.

Mức độ thiệt hại này được các nhà dự báo tài chính cho rằng, sẽ tương đương tổng thiệt hại trong giai đoạn khủng hoản kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, thậm chí là xấu hơn. Các nhà nghiên cứu của nhóm Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, tác động của hiện tượng kháng thuốc toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng ít nhất trên hai khía cạnh.

Một là, tác động này liên tục, kéo dài nhiều năm, từ 2030 đến 2050, chứ không phải một giai đoạn ngắn như khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây.

Hai là, các nước đang phát triển sẽ chịu tác động nặng nề hơn về kinh tế so với các nước phát triển-thậm chí đến mức 5,6% GDP. Do vậy, bất bình đẳng thu nhập giữa các nước sẽ tiếp tục bứt tốc và các bệnh truyền nhiễm lại bùng nổ, tác động mạnh mẽ đến thu nhập của lực lượng lao động.

Hiển nhiên, thương mại quốc tế có thể bị ảnh hưởng nặng nề, nếu vấn đề kháng kháng sinh không được kiểm soát. Đến năm 2050, khối lượng xuất khẩu thực tế toàn cầu sẽ giảm, đầu ra và kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi chịu tác động mạnh mẽ. Sản xuất và chăn nuôi ở các nước có thu nhập thấp sẽ giảm nhiều nhất, với mức tổn thất có thể lên đến 11% có thể vào năm 2050- trong kịch bản tác động mạnh của hiện tượng kháng thuốc.

Do đó, nếu không hành động ngay để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, thì các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030- chẳng hạn xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới… sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Nếu hiện tượng kháng kháng sinh có tác động mạnh, thì chúng ta sẽ có thêm 24 triệu người, chủ yếu ở các nước đang phát triển, rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

Cũng theo nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cần thực hiện 5 giải pháp như: Mở rộng diện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; tăng cường giám sát chất lượng DVYT, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong KCB; tăng cường vai trò kiểm soát của cơ quan BHYT trong việc kiểm soát các chỉ định sử dụng kháng sinh; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, thông qua đó đề ra các chiến lược can thiệp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh; gắn chiến lược kiểm soát kháng kháng sinh với các tiêu chí thẩm định, đánh giá và cấp phép hoạt động bệnh viện./.
Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội