Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài

17/07/2018 03:02 AM



Đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, cải cách chính sách BHXH là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội của đất nước. Nghị quyết số 28 đã đề cập đến những vấn đề mà người lao động quan tâm và kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. Một trong những nội dung cải cách đầu tiên được nêu tại Nghị quyết số 28/NQ-TW là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Theo đó, Đồng chí Doãn Mậu Diệp thông tin, hệ thống chính sách BHXH ở Việt Nam được ra đời ngay từ những năm đầu mới thành lập nước, đến năm 1961 thì có Điều lệ tạm thời đầu tiên. Qua thời gian, chính sách BHXH cũng đã từng bước được bổ sung và hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu và điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước qua từng thời kỳ. Tuy nhiên cho đến nay, chính sách BHXH nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung vẫn mang tính đơn lẻ và thiếu tính kết nối, từ đó dẫn tới hệ quả là trên thực tế vẫn còn nhiều những khoảng trống chính sách mà ở đó các đối tượng người dân chưa nhận được sự bảo vệ, sự đảm bảo an toàn và an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước. Hiện nay, có trên 5 triệu người cao tuổi (trên 60 và dưới 80 mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) không được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống BHXH đa tầng. Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định: Tầng 1 là tầng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong đó, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. Đồng thời, vó lộ trình mở rộng bao phủ bằng cách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong từng thời kỳ.

Tầng thứ hai là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay và từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Tầng thứ ba là tầng Bảo hiểm hưu trí bổ sung - là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Như vậy, khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH. Không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Ở góc độ cơ quan giám sát, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, ở đây, chúng ta phải nắm chắc các điểm và giải thích rõ để nhân dân hiểu, đa tầng nhưng thực ra có 3 tầng nấc: Tầng đầu tiên là chăm lo cho những người không có khả năng thu nhập tự đảm bảo chi trả (với mức hỗ trợ từ 270-280 ngàn đồng), đó là người già neo đơn, người già từ 80 tuổi trở lên. Đây là một dạng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước, do Nhà nước hoàn toàn chăm lo thể hiện bản chất an sinh xã hội của Nhà nước ta. Tầng trên là hưu trí bổ sung, người nào có thu nhập cao, người đó đóng vào quỹ do doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận để khi về hưu có Nhà nước bảo trợ để nhận lương hưu cao hơn. Gốc cải cách, cần tập trung là vào tầng giữa – BHXH cơ bản - với hai loại: Một là, BHXH bắt buộc, trong quan hệ lao động là bắt buộc; sắp tới, năm 2021 bổ sung thêm 4 đối tượng (chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý HTX, đặc biệt người lao động làm việc phi chính thức…). Hiện, Việt Nam có 50 triệu lao động, trong đó 14 triệu lao động đã tham gia BHXH, 8 triệu có quan hệ lao động, 34 triệu lao động khu vực phi chính thức nông nghiệp nông thôn. Phải làm sao đưa tất cả các đối tượng lao động này tham gia BHXH để có an sinh xã hội lâu dài, điểm này rất quan trọng./.
Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội