Tín hiệu khả quan trong thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội

31/07/2018 07:35 AM



Đối với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), chức năng thanh tra được giao kể từ năm 2016 theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến cuối năm 2016, BHXH tỉnh Đắk Lắk mới triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đây là nghiệp vụ hết sức mới mẽ nên gặp không ít những khó khăn, cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra phải tìm tòi, vận dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Trong quá trình thành lập các Đoàn thanh tra, nhiều đơn vị sử dụng lao động viện đủ lý do để trốn tránh thanh tra, việc cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho thanh tra còn chậm, lách luật thậm chí nhiều đơn vị còn che đậy, hợp lý hóa hồ sơ gốc… cung cấp hồ sơ lập mới, hồ sơ không có tính pháp lý…nhằm qua mắt thanh tra, do vậy, cán bộ, viên chức làm công tác thanh tra phải vận dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, thu thập hồ sơ từ nhiều nguồn khác nhau mới có thể hoàn thành nhiệm vụ thanh tra ở một đơn vị. Công tác xử lý sau thanh tra cũng gặp vô vàn khó khăn, nhiều đơn vị chây ỳ không thực hiện, hoặc thực hiện một phần trong các nội dung kết luận thanh tra, do vậy phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, đồng thời phải thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo BHXH tỉnh, công tác thanh tra đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan.

Từ cuối năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện 113 cuộc thanh tra tại các đơn vị sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH, trong đó, năm 2016 là 03 đơn vị, năm 2017 là 53 đơn vị, 6 tháng đầu năm 2018 là 57 đơn vị. Qua thanh tra đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 15 đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN như: Chậm đóng BHXH để nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, trốn đóng BHXH cho người lao động hoặc đóng BHXH chưa đúng với mức lương và phụ cấp của người lao động. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 445.118.300 đồng, đã có 04 đơn vị đã nộp phạt với số tiền là 85.056.000 đồng.

Qua thanh tra, các đơn vị đã nộp số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tổng cộng là 1.530.806.620 đồng, đạt 14% tổng số tiền nợ trước khi thanh tra, có đơn vị còn nộp hết toàn bộ số tiền nợ trước khi đoàn thanh tra đến. Có 30 đơn vị chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian theo quy định của 83 lao động, tổng số tiền buộc phải truy đóng là 809.422.588 đồng; số tiền phải truy đóng do đóng chưa đúng mức lương của người lao động là 235.931.786 đồng; hoàn trả cho đơn vị do đóng không đúng đối tượng là 35.007.126 đồng.

Công tác thanh tra cũng đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ, tư vấn pháp luật để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Đối với các đơn vị không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không khắc phục các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN theo Kết luận của Giám đốc BHXH tỉnh như: Không nộp tiền phạt vi phạm hành chính; không nộp hết số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không truy đóng BHXH cho người lao động… BHXH tỉnh phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, công tác thực hiện cưỡng chế gặp rất nhiều khó khăn, cần phải kiên trì, kiên quyết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Để công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đạt được hiệu quả ngày càng cao, góp phần giữ vững kỷ cương trong việc thực thi pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tăng cường năng lực cho công tác thanh tra, chú ý đến chất lượng các cuộc thanh tra về cả 3 nội dung: Đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng. Đối với các đơn vị thanh tra, sẽ tập trung vào những đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN như để nợ đọng kéo dài, có dấu hiệu đóng không đúng đối tượng, nhất là với đối tượng lao động theo mùa vụ, có hợp đồng ngắn hạn; đóng không đúng mức lương và phụ cấp của người lao động…Đặc biệt sẽ thực hiện thanh tra các đơn vị đang hoạt động nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Tuy là chức năng, nhiệm vụ mới, chỉ triển khai thực hiện chưa đầy 2 năm nhưng công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đã mang lại tín hiệu hết sức khả quan, đảm bảo cho chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện một cách nghiêm túc, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch mà BHXH Việt Nam giao, cũng như tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới./.




Trương Văn Bá