Tai nạn lao động - Hệ lụy khó lường

31/07/2018 10:06 AM



TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lăk nói riêng còn rất nhiều người lao động đang ngày đêm lao động cật lực tạo ra của cải vật chất cho doanh nghiệp… nhưng họ chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị chủ sử dụng lao động làm cho họ mất tất cả những quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ có quyền được hưởng! Đó là không đóng BHXH cho họ theo đúng quy định của Luật BHXH, gây hệ lụy khó lường nếu người lao động không may xảy ra TNLĐ ( theo thống kê đến cuối năm 2017 cả nước mới có 35% người lao động trong độ tuổi lao động được tham gia BHXH, trong khi đó tại Đắk Lắk thấp hơn rất nhiều, mới có trên 15% ). Trong khi đó TNLĐ luôn rình rập, xảy ra bật kỳ lúc nào.
Thực trạng đáng báo động

Năm 2017, cả nước có trên 3.800 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng 500 trường hợp so với năm 2016. Đáng lưu ý năm 2017 cả nước xảy ra gần 9.000 vụ TNLĐ làm 928 người chết và gần 2.000 người bị thương nặng, so với năm 2016, số vụ TNLĐ ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị TNLĐ tăng 1%. Nguyên nhân chính gây TNLĐ do chủ quan của con người chiếm đến 60%, nguyên nhân là do không có hoặc thiếu quy trình, thiết bị không bảo đảm an toàn, không trang bị kiến thức cũng như các phương tiện cá nhân…Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5.870 doanh nghiệp, hợp tác xã còn hoạt động, cùng với sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp thì công tác bảo đảm an toàn lao động luôn được chú trọng. Đặc biệt là tại các doanh nghiệp có môi trường làm việc đặc thù như ngành điện, cơ khí, nông nghiệp… theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong 6 năm (2011-2016), trên địa bàn tỉnh xảy ra 94 vụ TNLĐ làm 38 người chết, 29 người bị thương nặng. Đây chỉ là con số chưa đầy đủ, hằng năm, Sở LĐTBXH đều có công văn gửi đến các doanh nghiệp yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó có TNLĐ nhưng chỉ khoảng 2% doanh nghiệp chấp hành. Công tác quản lý Nhà nước như: thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên, chưa đúng trọng điểm, việc xử lý vi phạm còn chậm, thậm chí không cương quyết, việc không đóng, trốn đóng và chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn diễn ra phổ biến, mặc dù đến nay đã có nhiều biện pháp như xử phạt vi phạm hành chính, khởi kiện ra tòa theo Luật Dân sự, thậm chí đã hình sự hóa các hành vi này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được vì còn nhiều vướng mắc, mặc khác cơ quan thực hiện đang chờ văn bản hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan trung ương.

Có thể nói, hệ lụy của TNLĐ để lại hậu quả rất lớn cho gia đình và xã hội. Sau TNLĐ không chỉ là vấn đề thất nghiệp mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Những người may mắn sống sót chỉ bị thương nhẹ thì không kể đến, nhưng người chết sẽ ảnh hưởng không chỉ cá nhân mà ảnh hưởng cả một tập thể trong đó có gia đình. Còn đối với những người bị thương nặng phải đối mặt với những thương tật phải mang trong mình suốt đời mà không thể chữa lành được. Điều đáng nói TNLĐ cướp đi sinh mệnh của những người là trụ cột trong gia đình, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập bị giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.

Khi các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có người bị TNLĐ thì trước tiên chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ. Đó còn chưa kể đến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, mất thời gian việc phục vụ kiểm tra chất lượng máy móc, nguyên nhân bị nạn, doanh nghiệp thua lỗ…
Sau đây, tôi xin trích dẫn một đoạn ngắn trong bài báo được đăng tải trên Báo Người lao động viết về những hệ lụy của TNLĐ:

Nhiều chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng, không đóng BHXH cho người lao động nên khi có sự cố xảy ra thì phủi tay, để mặc nạn nhân lâm vào khốn khó.

Vào một ngày giữa tháng 5-2018, chúng tôi gặp anh Đỗ Đình Tấn (46 tuổi, ngụ xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trong ngôi nhà nhỏ nằm sát Quốc lộ 24B, khi anh đang chuẩn bị nhờ người chở lên Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh châm cứu, tập vật lý trị liệu.

Doanh nghiệp bỏ mặc


Anh Tấn là một trong số ít trường hợp thoát chết hy hữu sau vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra cách đây 2 năm. Thế nhưng, dù thoát chết, cuộc sống của gia đình anh Tấn rơi vào bế tắc khi anh bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. "Lúc xưa, tôi là lao động chính trong gia đình, bây giờ việc đi lại, ăn uống phải trông cậy vào vợ con, không giúp gì được cho gia đình, bứt rứt lắm. Mỗi ngày bây giờ với tôi là sáng đi châm cứu, chiều tập vật lý trị liệu..." - anh Tấn thở dài.

Anh Đỗ Đình Tấn bị liệt nửa người sau TNLĐ. Ảnh: Tử Trực

Vụ TNLĐ xảy ra với anh Tấn cách đây hơn 2 năm, ngày 14-4-2016, khi anh đang là công nhân Công ty TNHH Kim Sơn (chuyên kinh doanh dăm gỗ, đóng tại KCN Làng nghề Tịnh Ấn Tây).

"Lúc đó, tôi đang là công nhân đứng gác máy, thình lình robot gắp cây đưa vào máy băm gặp sự cố khiến 3 cây keo từ trên cao rơi xuống trúng vào người khiến tôi bất tỉnh tại chỗ. Tai nạn làm tôi chấn thương cột sống, dập tủy cổ, thoát vị đĩa đệm… Bệnh viện kết luận tôi mất sức lao động 85%..." - anh Tấn kể.

Chị Dương Thị Sương (vợ anh Tấn) cho biết điều đáng buồn hơn nữa sau vụ TNLĐ thập tử nhất sinh của chồng là thái độ vô trách nhiệm, không có chút tình người của Công ty TNHH Kim Sơn. "Trước khi bị tai nạn, chồng tôi làm lương tháng 2,7 triệu đồng và đã làm được gần 2 năm. Khi tai nạn bất chợt giáng xuống, phía công ty cũng không chịu bồi thường gì. Tôi có điện hỏi thì có một lần họ cử người đến bệnh viện thăm chồng tôi và nói hỗ trợ 27 triệu đồng tiền thuốc chạy chữa. Từ đó cho đến nay, không có bất kỳ khoản bồi thường nào cả. Gia đình bức xúc quá mới đi kiện, họ trả lời vì chồng tôi chỉ là lao động thời vụ nên không bồi thường... Bây giờ gia đình khó khăn, nợ nần đủ thứ nên không biết phải làm sao" - chị Sương than thở.”


Giải pháp hữu hiệu - tham gia BHXH

Như vậy, rõ ràng nếu người lao động được tham gia BHXH mà không may xảy ra TNLĐ, họ được hưởng chế độ TNLĐ, sau khi được xác định TNLD và được Hội đồng giám định y khoa xác định suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần, từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng, nếu người lao động bị chết thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất một lần hoặc hàng tháng ( tuất một lần kể từ năm 2014 trở về trước mỗi năm công tác 1,5 tháng lương bình quân tử năm 2014 trở đi mỗi năm đóng BHXH là 2 tháng lương bq, tuất hàng tháng không quá 4 người được BHXH chi trả bằng 50%, 70% mức lương cơ sở/tháng/ người, nuôi con của họ cho đến 18 tuổi, cha mẹ họ cho đến khi qua đời) ngoài ra thân nhân còn được hưởng tiền mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của Luật BHXH.

Để thực hiện tốt Bộ Luật Lao động, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và theo quy định tại Nghị định số 37/2016/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/7/2016 chủ sử dụng lao động bắt buộc phải đóng bảo hiểm TNLĐ cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của những lao động rủi ro bị TNLĐ …. các ngành, các cấp phải vào cuộc một cách quyết liệt, tăng cường mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm, xử phạt một cách nghiêm minh, cần thiết chuyển qua cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Làm tốt những việc này sẽ góp phần hạn chế những hệ lụy khó lường, đảm bảo quyền lợi cho người lao động nếu không may xảy ra TNLĐ./.




Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh