Đề xuất mức bù chênh lệch lương hưu đối với lao động nữ

08/08/2018 02:45 AM



Ông Điều Bá Được - Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam.

- Phóng viên: Ông có thể cho biết lý do Chính phủ quyết định ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021?

+ Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Lý do Chính phủ quyết định ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 là do quy định mới của Luật BHXH năm 2014 có sự thay đổi về công thức tính lương hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ theo hướng tăng số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ lương hưu tối đa (75%). Theo đó, lao động nam sẽ tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% từ đủ 30 năm lên đủ 35 năm; lao động nữ tăng từ đủ 25 năm lên đủ 30 năm. Việc sửa đổi này là phù hợp với xu hướng quốc tế với một số ưu điểm là tiệm cận gần hơn với nguyên tắc đóng - hưởng; hướng tới bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.

Tuy nhiên, việc thay đổi đột ngột công thức tính lương hưu của lao động nữ và áp dụng ngay quy định mới từ ngày 01/01/2018 trở đi,trong khi không có quy định thực hiện theo lộ trình như đối với lao động nam, đãdẫn đến có một số lao động nữ khi nghỉ hưu trong thời điểm này bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1% đến 10% so với thời điểm nghỉ hưu tại năm 2017 (tùy theo thời gian đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu của từng trường hợp). Do đó, so với lao động nam thì quy định này chưa phù hợp nên cần phải có phương án xử lý nhằm khắc phục những bất lợi do tác động của việc thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữtrong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 và hướng tới thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.

- Phóng viên: Vậy theo ông, việc đề xuất mức bù chênh lệch lương hưu do thay đổi công thức tính lương hưu nêu trên cần áp dụng cho nhóm đối tượng nào và căn cứ vào đâu?

+ Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Theo tôi, đối tượng được bù chênh lệch lương hưu là những lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 mà bị tác động giảm lương hưu do cách tính lương hưu theo quy định mới tại Luật BHXH năm 2014 chưa phù hợp và không tương ứng với cách tính lương hưu đối với lao động nam có cùng thời gian đóng BHXH như nhau, cùng bắt đầu hưởng lương hưu tại một thời điểm.

Về căn cứ đề xuất mức bù chệnh lệch vào lương hưu cho nhóm đối tượng này cần phải dựa vào các quy định của Luật BHXH năm 2014; đồng thời phải căn cứ vào tình thực tế, khi đó, mức bù chênh lệch vào lương hưu được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.

- Phóng viên: Với kinh nghiệm sẵn có trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, ông có đề xuất mức bù chênh lệch vào lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn này như thế nào?

+ Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được: Để có căn cứ đề xuất mức bù chệnh lệch vào lương hưu cụ thể đối với từng trường hợp, theo tôi phải dựa vào quy định tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam, lao động nữ theo Luật BHXH năm 2014; đồng thời tiến hành so sánh tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam so với lao động nam, lao động nữ so với lao động nữ, lao động nữ so với lao động nam với điều kiện là có thời gian đóng BHXH như nhau và cùng bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng một thời điểm trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 và so với tỷ lệ hưởng lương hưu với năm 2017.

Ảnh minh họa
Để giúp bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin cung cấp các Bảng tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021; có so sánh tỷ lệ giảm lương hưu của năm sau so với năm liền kề trước và so với năm 2017 theo phương án dự kiếntỷ lệ giảm lương hưu của lao động nữ tương ứng với tỷ lệ giảm lương hưu như lao động nam thì đề xuất mức bù tỷ lệ % chênh lệch lương hưu theo các Bảng chi tiết tại đường dẫn sau:

Bảng 01: Tỷ lệ % lương hưu của lao động nam tính theo thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Luật BHXH năm 2014

Theo Bảng 01, tỷ lệ % lương hưu của lao động nam theo lộ trình bắt đầu từ năm 2018 so với năm 2017 giảm đi 2%; sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu sẽ giảm 2% so với năm trước liền kề kết thúc vào năm 2022.

Bảng 02: Bảng so sánh và đề xuất mức bù chênh lệch tỷ lệ % lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021

Theo Bảng 02, Tỷ lệ % hưởng lương hưu đối với lao động nữ nếu áp dụng tương tự mức giảm tỷ lệ % lương hưu như lao động nam với phương án dự kiến như sau:

Lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 giảm 2% so với nghỉ hưu trong năm 2017 (cột 4), hưởng lương hưu trong năm 2019 giảm 4% so với năm 2017 (cột 7), hưởng lương hưu trong năm 2020 giảm 6% so với năm 2017 (cột 10), hưởng lương hưu trong năm 2021 giảm 8% so với năm 2017 (cột 13), hưởng lương hưu trong năm 2022 giảm 10 % so với năm 2017 (cột 16). Và theo cách tính này thì kết thúc lộ trình vào năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ vẫn cao hơn tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam nếu có số năm đóng BHXH như nhau và cùng nghỉ hưu tại một thời điểm. Ví dụ: Nghỉ hưu trong năm 2022, lao động nữ có đủ 20 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 55% trong khi đó lao động nam có cùng 20 năm đóng nghỉ hưu cùng năm 2022 tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ có 45%.

So sánh cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm2014 và tỷ lệ % tính theo phương án dự kiến giảm tương ứng với lao động nam nêu trên (so sánh cột 3 và 4; cột 6 và 7; cột 9 và 10; cột 12 và 13; cột 15 và 16), nếu tỷ lệ % tính theo quy định Luật BHXH năm2014 thấp hơn tỷ lệ % tính theo phương án dự kiến giảm tương ứng với lao động nam thì được bù cho bằng tỷ lệ tính theo phương án dự kiến, nếu bằng hoặc cao hơn thì không được bù.

Đề xuất những trường hợp lao động nữ được bù chênh lệch tỷ lệ % lương hưu bao gồm: Hưởng lương hưu trong năm 2018 có thời gian đã đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 28 năm 6 tháng (cột 5), hưởng lương hưu trong năm 2019 có thời gian đã đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 27 năm 6 tháng (cột 8), hưởng lương hưu trong năm 2020 có thời gian đã đóng BHXH từ 21 năm 01 tháng đến 26 năm 6 tháng (cột 11) và hưởng lương hưu trong năm 2021 có thời gian đã đóng BHXH từ 23 năm 01 tháng đến 25 năm 6 tháng (cột 14). Từ phân tích và so sánh chi tiết tại Bảng 2, thấy rằng, nếu lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi với mức giảm tỷ lệ tương ứng với mức giảm tỷ lệ của lao động nam (bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 giảm 2% so với năm 2017, sau đó cứ hưởng lương hưu năm sau sẽ giảm 2% so với năm liền kề trước; kết thức lộ trình giảm vào năm 2022) thì số lao động nữ thực sự bị giảm tỷ lệ % hưởng lương hưu so với mức giảm của lao động nam không đồng đều mà tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu.

Để bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp giữa cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và lao động nữ có thời gian đóng BHXH như nhau (từ đủ 20 năm đến dưới 30 năm), bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng một thời điểm trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021, mức bù tỷ lệ % lương hưu cho những lao động nữ bị tác động bất lợi do cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Ðiều 56 và Khoản 2 Ðiều 74 Luật BHXH năm 2014 được bù chênh lệch lương hưu. Mức bù chênh lệch lương hưu được tính bằng tỷ lệ % được bù chênh lệch nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu. Trong đó, tỷ lệ % được bù chênh lệch lương hưu cụ thể theo bảng sau:

Mức lương hưu mới bằng Mức lương hưu tính theo quy định của Luật BHXH năm2014 cộng với mức bù chênh lệch lương hưu tính theo phương án đề xuất này. Mức lương hưu mới sau khi bù chênh lệch là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu ở những lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam