Nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội

16/08/2018 08:09 AM




Tuy nhiên, dù chế tài có đầy đủ bao nhiêu nhưng ý thức, trách nhiệm của con người chưa cao thì việc thực hiện chính sách khó có thể thành công. Do đó, bên cạnh những quy định của pháp luật thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, của chủ sử dụng lao động cũng như ý thức của người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ- BNN, để từ đó, doanh nghiệp và người lao động chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần cùng với toàn xã hội chung tay thực hiện các chính sách xã hội.

Đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN không phải là đóng cho Nhà nước, cho Chính phủ mà là đóng cho chính doanh nghiệp, đóng cho chính người lao động, Nhà nước (mà cụ thể là cơ quan BHXH) chỉ là pháp nhân đại diện cho doanh nghiệp, cho chủ sử dụng lao động đứng ra quản lý quỹ và giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động.

Trong một xã hội phát triển, sự đan xen, ràng buộc của rất nhiều các mối quan hệ, bản thân một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không thể giải quyết được tất cả các vấn đề phát sinh trong quá trình lao động, họ không thể chăm lo cho người lao động khi ốm đau, tai nạn, hoặc khi không còn khả năng lao động, do vậy Nhà nước đứng ra thay cho chủ sử dụng lao động giải quyết vấn đề này, còn doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận để phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế đất nước. Như vậy, thay vì tự mình phải giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, doanh nghiệp chỉ cần trích một phần kinh phí đóng góp để Nhà nước thay mặt họ thực hiện nhiệm vụ đó, do đó đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ-BNN là đóng cho chính doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp vững mạnh, có triển vọng phát triển trong dài hạn thì không thể không chăm lo đến lực lượng lao động, chăm lo đến đời sống của người lao động, việc đóng BHXH là nhiệm vụ không thể thiếu trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Với người lao động, tài sản quý nhất là sức lao động, sức lao động nuôi sống bản thân cũng như gia đình của họ. Tuy nhiên, sức lao động không tồn tại vĩnh viễn, bất biến mà có thể bị ảnh hưởng, bị suy giảm hoặc mất đi, trong quá trình lao động nếu sức lao động không được tái tạo, không được bảo hiểm thì một khi nó bị ảnh hưởng, đời sống người lao động sẽ dựa vào đâu? Rõ ràng, đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ-BNN là đóng cho chính mình, là cùng với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp một phần tiền lương để lo cho chính mình trong hiện tại và tương lai.
Những rủi ro, sự kiện dẫn đến phát sinh bảo hiểm trong BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là đương nhiên đối với người lao động,  người bình thường ai cũng sẽ có con, già đi và về với cõi vĩnh hằng, chúng ta ít nhất cũng có một lần ốm đau... Nếu không lo trước thì sẽ vô cùng khổ cực về sau, do vậy người lao động cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia BHXH, đấu tranh với chủ sử dụng lao động để được đóng BHXH, đảm bảo cuộc sống của mình khi không còn sức lao động.

Hội nghị đối thoại, tuyên truyền về Luật BHXH, Luật BHYT cho công nhân lao động của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi

Hiện nay, chính sách BHXH được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, tùy theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội mà mức độ áp dụng các chế độ, chính sách, mức đóng góp có khác nhau nhưng nhìn chung chính sách BHXH là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của các nước, trong đó có Việt Nam. Ý thức trách nhiệm của người dân đối với chính sách này ở các nước là rất cao, họ xem việc đóng thuế và đóng BHXH là quyền lợi, là niềm tự hào, kiêu hãnh, thể hiện đẳng cấp trong xã hội, là góp phần bảo vệ bản thân và xây dựng đất nước; đối với chúng ta, tôi không ước mơ việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của mọi người mà chỉ mong rằng người lao động và doanh nghiệp ý thức được việc đóng BHXH là lo cho chính mình, góp phần xây dựng và phát triển chính sách BHXH để đảm bảo rằng mọi người lao động đều được bảo vệ khi gặp rủi ro, được hưởng lương hưu khi tuổi đã về già./.



Trương Văn Bá