Chỉ cần tiết kiệm hơn 5.000 đồng/ ngày, có thể bạn sẽ được hưởng chế độ hưu trí!

17/08/2018 04:03 AM




Trước tiên, cần hiểu hưu trí là gì? Hưu trí là một chế độ bảo đảm vật chất cho người lao động khi hết tuổi lao động.

Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của Luật BHXH.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên (trừ những người đã tham gia BHXH bắt buộc)


Mức đóng như thế nào?

Người tham gia BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở  hiện nay 1.390.000 đồng x 22%/tháng x 20 lần = 6.110.000 đồng/ tháng). Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25%, và các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế nhưng không quá 10 năm (hiện nay mức chuẩn nghèo là 700.000 đồng, như vậy mức hỗ trợ 46.200 đồng đối với hộ nghèo, 38.500 đồng đối với hộ cận nghèo, 15.400 đồng đối với hộ còn lại). Có thể nói đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu an sinh xã hội, không những góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại ấm no, hạnh phúc cho gia đình mà còn góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Rõ ràng mức thấp nhất là người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng 154.000 đồng/ tháng, chia bình quân 30 ngày thì một ngày chỉ cần tiết kiệm hơn 5.000 đồng, có thể khẳng định, nếu có lương hưu bạn có thể tự lo cho cuộc sống của mình khi về già, đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bởi từ khi hết tuổi lao động (55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam) cho đến khi đủ 80 tuổi để nhận trợ cấp người cao tuổi (theo Luật Người cao tuổi), có thể nói cả một thời gian khá dài (25 năm).

Được hưởng quyền lợi như thế nào?

Theo giả định: Một người lao động nữ đóng BHXH tự nguyện 20 năm, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 700.000 đồng/tháng, tức là hàng tháng đóng 154.000 đồng - trừ 15.400 đồng (hộ bình thường) được nhà nước hỗ trợ, số tiền thực đóng là: 138.600 đồng/ tháng, nếu đóng đủ 20 năm thì tổng số tiền sẽ góp là khoảng 33 triệu đồng (mức hỗ trợ không quá 10 năm).

Vậy mức lương hưu hàng tháng được bao nhiêu?

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng: Thời gian đóng BHXH là 20 năm , Theo đó, 15 năm đầu tính bằng 45%; Từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 là 5 năm, tính thêm: 5 x 2% = 10%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là: 45% + 10% = 55%. Vậy mức lương hưu hàng tháng là: 55% x 700.000 đồng/tháng = 385.000 đồng/tháng: và hàng năm được điều chỉnh tăng lương theo mức lương cơ sở hoặc theo chỉ số tiêu dùng hàng năm. Theo thống kê kỳ vọng sống của nam giới sau khi về hưu là trên 19 năm, và nữ giới trên 20 năm. Đối với trường hợp nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 05 năm so với thời gian quy định,  thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm (Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã được chính thức thông qua ngày 23/05/2018, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH).

Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu  đóng một lần không quá 10 năm).

Và quan trọng là người hưởng lương hưu được quỹ BHXH cấp thẻ BHYT, được hưởng 95% chi phí khi đi khám chữa bệnh, và nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, suy tim…thì tiền khám, chữa bệnh không thể thống kê được.. Theo thống kê của BHXH 6 tháng đầu năm 2018, hàng trăm người được BHYT thanh toán từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, đặc biệt có một người ở Đồng Nai được BHXH thanh toán BHYT gần 5 tỷ đồng, mức hưởng cao nhất từ trước đến nay.

Nếu người hưởng lương hưu qua đời, thân nhân của họ được hưởng tuất một lần hoặc tuất hàng tháng tùy họ lựa chọn, trừ khi có con nhỏ dưới 6 tuổi phải nhận tuất hàng tháng theo quy định. Theo đó, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng; đối với tuất hằng tháng gồm các thân nhân sau: Con chưa đủ 18 tuổi, vợ, cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ vợ hoặc người mà khi còn sống người hưởng lương hưu có trách nhiệm nuôi dưỡng …và phải đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam, trường hợp dưới 55 tuổi đối với nữ và dưới 60 tuôi đối với nam, hoặc con trên 18 tuổi phải có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa xác định suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì mới được hưởng tuất hằng tháng. Đồng thời thân nhân này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung hiện nay là: 1.390.000đ/tháng; Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% (bằng 695.000 đồng/tháng) mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% (bằng 973.000 đồng/tháng) mức lương tối thiểu chung. Trường hợp có một người chết thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người. Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng người hưởng lương hưu chết.

Chế độ hưu trí vào thời điểm này chính là lựa chọn đúng đắn, nhằm tạo điều kiện cho người tham gia có thêm nguồn thu nhập trong tương lai khi đến tuổi về hưu, khi không còn khả năng lao động. Điều quan trọng hơn, về mặt tinh thần đó là họ có thể tự lo cho mình mà không phiền hà đến con cái, điều đặc biệt chế độ hưu trí không phân biệt BHXH trong hay ngoài Nhà nước, họ là ai? Khi đủ điều kiện nghỉ hưu, họ đều được gọi chung một cụm từ duy nhất đó là “cán bộ hưu trí” và được hưởng các quyền lợi như nhau. Vì vậy hãy tiết kiệm mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện, tích lũy thời gian để được nhận chế độ hưu trí và  thụ hưởng những quyền lợi như đã phân tích ở trên./.



Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh