Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - Góp phần tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

28/08/2018 09:55 AM



Tuy nhiên, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Trong đó có thể nói chính sách BHXH tự nguyện với những chế độ như hiện nay chưa thật sự hấp dẫn người dân. Vì vậy, Cải cách chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Mặc dù, từ năm 2018 theo quy định tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP về BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ tối đa 30 % kinh phí. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể:
Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Tuy nhiên, Tính đến 31/12/2017 người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước mới được 291.000 người, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới có khoảng hơn 2.000 người tham gia. Trong khi đó cả nước còn khoảng 40 triệu người chưa tham gia BHXH, lý do người dân chưa mặn mà chính sách BHXH tự nguyện đó là việc tuyên truyền chính sách này chưa được thường xuyên, liên tục, vì vậy người dân chưa biết nhiều về loại hình này, mặc khác chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, khi tham gia người lao động chỉ được hưởng hai chế độ đó là hưu trí và tư tuất, trong khi người lao động rất cần thụ hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động….chỉ có ở chính sách BHXH bắt buộc.

Để tiến tới BHXH toàn dân, Nghị Quyết 28- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 23/5/2018, đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng trên phạm vi cả nước, đó là:

Giai đoạn đến năm 2021: Tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; Giai đoạn đến năm 2025: Tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi Giai đoạn đến năm 2030: Tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nghị quyết cũng đề cập đến việc mở rộng các chế độ trong chính sách này, để BHXH tự nguyện thực sự hấp dẫn, thu hút được người lao động hơn, cần có chính sách đa dạng loại hình và mức đóng phù hợp với mức thu nhập khác nhau của người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hoàn thiện khung chính sách để người lao động dể tiếp cận hơn về thông tin, mức đóng- mức hưởng phù hợp hơn với đặc thù của lao động tự do. Cơ quan BHXH các cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đào tạo và mở rộng đại lý thu đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, giảm tối đa thủ tục giấy tờ, linh hoạt trong việc cung cấp thông tin, chi trả BHXH tự nguyện khi có phát sinh quyền lợi BHXH; tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện BHXH tự nguyện cho người dân. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách đến tất cả các đối tượng, ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú bằng các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, đài, báo); pa nô, áp phích, kết hợp lồng ghép nội dung đối thoại chính sách BHXH tự nguyện với các buổi sinh hoạt của thôn, xã, các hội, đoàn thể. Có như vậy chính sách BHXH tự nguyện mới thực sự đến với người dân, góp phần bao phủ BHXH tiến tới BHXH toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội và giảm gánh nặng ngân sách trong tương lai. /.




Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh