Nguyên tắc nhóm đối tượng khi tham gia BHYT

14/09/2018 01:42 AM




Có 2 nguyên tắc rất quan trọng mà người dân cũng như cán bộ, công chức, viên chức cần phải biết khi tham gia BHYT, đó là nguyên tắc tham gia BHYT theo nhóm đối tượng và nguyên tắc được hưởng mã quyền lợi cao nhất khi hưởng BHYT đối với những trường hợp một người thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, đối tượng tham gia BHYT bao gồm 5 nhóm sau: 1, Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; 2, Nhóm do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng; 3, Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; 4, Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm người thuộc hộ gia đình cận nghèo và học sinh, sinh viên; 5, Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; ngoài ra còn có một số đối tượng tham gia BHYT khác do Chính phủ quy định.

Một người thuộc 2 hay nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT thì thực hiện theo thứ tự từ nhóm 1 đến nhóm 5 để tham gia. Ví dụ như một Cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ, hiện đang là cán bộ xã, phường, thị trấn được hưởng lương từ ngân sách thì về điều kiện họ được cấp thẻ BHYT theo diện Cựu chiến binh, tuy nhiên vừa là cán bộ, công chức cấp xã nên họ phải đóng BHYT theo lương chứ không được cấp thẻ miễn phí, vì nhóm do ngân sách nhà nước đóng đứng sau nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; tương tự, một thương binh đang hưởng trợ cấp thương binh, đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và là người hoạt động không chuyên trách ở xã thì về nguyên tắc họ phải đóng BHYT theo mức trợ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách tại xã, mặc dù họ đủ điều kiện để được cấp thẻ theo diện thương binh hoặc theo diện người đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Một công nhân đang hợp đồng lao động tại một doanh nghiệp, được hưởng lương hàng tháng tại doanh nghiệp thì công nhân đó phải đóng BHYT theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp chứ không được lựa chọn tham gia BHYT theo hộ gia đình (thường có mức đóng thấp hơn), và không được tính là thành viên đã tham gia BHYT trong hộ gia đình để giảm trừ mức đóng cho những thành viên còn lại nếu gia đình đó tham gia BHYT hộ gia đình.

Hay như một giáo viên đang giảng dạy và sinh sống ở vùng biên giới, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì giáo viên đó cũng phải đóng BHYT theo lương, mặc dù người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc diện được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Tuy nhiên, nếu là học sinh, sinh viên sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hoặc là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì học sinh đó được cấp thẻ BHYT miễn phí chứ không phải mua BHYT tại trường học, vì nhóm do ngân sách nhà nước đóng đứng trước nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng.

Học sinh, sinh viên không được tham gia BHYT tại hộ gia đình, bởi vì các em thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm này đứng trước nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Do vậy, các em phải tham gia BHYT tại trường học, trừ những trường hợp người trong độ tuổi đi học nhưng đã nghỉ học thì mới được đóng BHYT theo hộ gia đình.

Tham gia BHYT thì thực hiện theo nguyên tắc nhóm đối tượng nhưng khi hưởng BHYT thì người thuộc diện nhiều nhóm đối tượng tham gia được chọn hưởng mã quyền lợi. Mã quyền lợi là ký tự ở ô thứ 2 trong dãy 4 ô gồm 15 ký tự trên thẻ BHYT, mã quyền lợi được ký hiệu bằng số theo thứ tự từ 1 đến 5 là mức hưởng BHYT.  Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Đối với người tham gia BHYT không phải là quân nhân, công an hay cơ yếu thì mã quyền lợi cao nhất là mã số 1, mã này sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; mã số 2 được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT nhưng có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; mã số 3 được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB và mã số 4 được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB.

Người dân cần quan tâm, đối chiếu xem mình thuộc đối tượng nào để thực hiện điều chỉnh mã quyền lợi trên thẻ BHYT. Ví dụ như một người vừa là cán bộ xã phải đóng BHYT theo lương, nhưng đồng thời là cựu chiến binh có thời gian làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thì được chọn mã quyền lợi số 2 để hưởng BHYT chứ không phải hưởng ở mã số 4; một cán bộ hưu trí nhưng đồng thời là thương binh, được quỹ BHXH đóng BHYT theo lương hưu nhưng được chọn mã số 1 để hưởng BHYT với quyền lợi cao nhất; tương tự một giáo viên sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì phải điều chỉnh mã quyền lợi trên thẻ BHYT là 2 để được hưởng quyền lợi cao hơn chứ không hưởng mã quyền lợi số 4 như những giáo viên sống ở thành thị.

Việc tham gia BHYT đúng nguyên tắc nhóm đối tượng là yêu cầu bắt buộc của chính sách BHYT, người tham gia BHYT không được lựa chọn nhóm đối tượng có mức đóng thấp hơn để tham gia nếu cá nhân đó thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT. Tuy nhiên, khi hưởng BHYT thì có quyền lựa chọn mã quyền lợi thuộc nhóm đối tượng có quyền lợi cao nhất, hiểu và thực hiện được nguyên tắc này, người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi khi đi khám bệnh, chữa bệnh.



Trương Văn Bá