Ý nghĩa của việc giao sổ BHXH cho người lao động quản lý

04/10/2018 09:54 AM




Thực hiện nội dung này, từ năm 2016 đến nay, ngành BHXH cơ bản đã hoàn thành việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động, tính đến hết ngày 30/9/2018 BHXH tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành bàn giao được 101.492/102.045 sổ cho người lao động, đạt tỷ lệ 99,46%.

BHXH tỉnh Đắk Lắk bàn giao sổ BHXH cho người lao động tại Ngân hàng Vietcombank Đắk Lắk

Tuy nhiên, cũng không ít người lao động băn khoăn tại sao họ phải giữ sổ BHXH, trong quá trình bảo quản nếu không may xảy ra hư hỏng, mất sổ thì quyền lợi về BHXH của họ có bị mất, có bị ảnh hưởng không, sổ BHXH phải quản lý như thế nào...

Việc giao sổ BHXH cho người lao động quản lý không những thực hiện theo đúng quy định của Luật BHXH, mà còn là sự cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, về nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì sổ BHXH là tài sản, là quá trình lao động, tích lũy từ mồ hôi, công sức của người lao động, quá trình chắt chiu một phần từ tiền lương để cùng với chủ sử dụng lao động tích góp vào đó để lo cho cuộc sống của mình sau này. Như vậy, khi đã xem sổ BHXH như là tài sản của mình, thì rõ ràng người lao động phải quản lý là điều tất nhiên, bởi không ai quản lý tài sản của mình tốt hơn là chính mình, và cũng không ai có trách nhiệm với tài sản của mình hơn mình.

Thứ hai, sổ BHXH là công cụ để người lao động nắm bắt được các thông tin và thực hiện quyền giám sát, theo dõi người sử dụng lao động trong việc thực hiện đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho họ như mức lương, thời gian công tác, thời gian ghi trong hợp đồng lao động có đúng hay không, vì vậy, khi nhận sổ BHXH người lao động cần phải kiểm tra cả những thông tin nhân thân ghi trên sổ có đúng không, nếu chưa đúng thì phản ánh ngay với cơ quan BHXH để thực hiện điều chỉnh.

Thứ ba, khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH thì sổ BHXH là cơ sở để giải quyết, qua đó người lao động biết được mức hưởng của mình, chủ động trong mọi tình huống, tránh trường hợp khi nghỉ việc vì nhiều lý do khác mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không trả sổ kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp...

Với những ý nghĩa đó, khi được giao sổ BHXH, người lao động cần bảo quản cẩn thận, tránh để hư hỏng, mất sổ… nhằm giúp cho người lao động trong thực hiện các quyền lợi về BHXH.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì đến năm 2020 sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH.

Song song với nội dung ghi trên sổ BHXH, cơ quan BHXH còn quản lý dữ liệu của người tham gia BHXH trên hồ sơ giấy và trên phần mềm quản lý điện tử, người lao động có thể tra cứu thông tin trên trang thông tin của BHXH Việt Nam, trên dữ liệu thu của BHXH tỉnh, huyện, thị xã, thành phố nơi cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia BHXH.

Khi sổ BHXH bị hư hỏng hoặc bị mất thì phải lập thủ tục đề nghị cơ quan BHXH cấp lại theo quy định.

Trả sổ BHXH cho người lao động quản lý là chủ trương đúng đắn, vì vậy, người lao động cần nắm rõ các quy định nhằm tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Cũng cần lưu ý, người lao động đang tham gia lao động, thuộc diện đóng BHXH bắt buộc mà không có sổ BHXH, thì có nghĩa là người lao động chưa được người sử dụng lao động đóng BHXH, hãy phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan BHXH các cấp để được bảo vệ quyền lợi về BHXH trong quá trình lao động./.



Trương Văn Bá