Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

08/10/2018 02:13 AM



Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung rất quan trọng đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật như: Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật BHXH năm 2014 nhưng chưa được Quốc hội thông qua.

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, trong đó có vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu với phương châm chỉ đạo là thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Hiện thực hóa đường lối lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân cho đến hết tháng 5/2019, sau đó sẽ được trình tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII và tiếp tục lấy ý kiến ở kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019 khi Quốc hội xem xét để thông qua.

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều lý do sau đây:

Thứ nhất, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thứ hai, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt.

Thứ ba, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo cân đối trong dài hạn.

Thứ tư, bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ  (Cedaw) của Liên Hợp quốc, Công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).

Thứ năm, tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm.

Đồng thời, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi, ở khu vực, tuổi nghỉ hưu của lao động nước ta thuộc diện thấp; trong quá trình hội nhập, chúng ta cũng cần thu hẹp dần những khác biệt để phù hợp với xu thế chung.

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề quan trọng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời ảnh hưởng đến từng cá nhân người lao động. Do tính chất quan trọng như vậy nên cơ quan soạn thảo dự thảo sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của nhân dân và người lao động, sẽ tiếp thu những ý kiến của nhân dân để hoàn thiện nội dung dự thảo, mỗi cá nhân lao động cần phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tích cực góp ý kiến của mình để tham gia vào quá trình xây dựng luật, đảm bảo khi được Quốc hội thông qua, nội dung sửa đổi về tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là điều luật thể hiện được nguyện vọng của đại đa số người lao động.


Trương Văn Bá