Tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

12/10/2018 02:37 AM


Hội nghị lần thứ bảy khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Chương trình hành động xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chương trình hành động số 107-CTr/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam và Chương trình số 29-CTr/TU ngày 23/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Chương trình hành động đặt ra mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện và thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Chương trình hành động đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể:

a) Giai đoạn đến năm 2021

Phấn đấu đạt khoảng 13% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH,  trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 0,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 11% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 36% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.

b) Giai đoạn đến năm 2025

Phấn đấu đạt khoảng 20% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH,  trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 43% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.

c) Giai đoạn đến năm 2030

Phấn đấu đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH,  trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 25% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 47% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Chương trình hành động đã nêu rõ nhiệm vụ chung của Ngành, các đơn vị trực thuộc, đồng thời nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với các lĩnh vực có liên quan đó là:

1. Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tưởng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020; Đề án “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020; “Chiến lược phát triển ngành BHXH đến năm 2020”; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình số 29-CTr/TU ngày 23/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Lắk thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Chương trình số 21-CTr/TU ngày 18/01/2013 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình, Kế hoạch số 4951/KH-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện Chương trình số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy Đắk Lắk về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020;

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động: Triển khai các giải pháp thực hiện theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hiệu quả chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật Việc làm hướng tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BHTN, BHYT, đảm bảo thu đúng, thu đủ và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT. Thực hiện quy chế phối hợp giữa BHXH tỉnh với các đơn vị liên quan trong công tác xử lý và thu hồi nợ BHXH, BHTN, BHYT.

5. Tăng cường công tác quản lý chi trả và quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT. Tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, qua đó tạo sự thống nhất giữa nhận thức và hành động trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng phương thức giao dịch điện tử trong việc thực hiện thu đóng, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.

6. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; ứng dụng có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ của Ngành.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT để phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức.

8. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền

Chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, nhất là nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức; chú trọng phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, tăng cường tin, bài, định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện được hiệu quả, nhanh chóng đưa Nghị quyết mới của Đảng đi vào đời sống xã hội; chủ động cung cấp thông tin, số liệu, kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền để có biện pháp chỉ đạo thực hiện; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc làm tổn hại đến chủ trương của Đảng, uy tín, hình ảnh của Ngành vì sự phát triển bền vững của chính sách và bảo đảm an sinh xã hội.

9. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo. Tăng cường đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành, chuyển đổi tác phong lề lối làm việc của công chức, viên chức từ hành chính sang phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức, doanh nghiệp./.


Lê Xuân Khánh