An toàn cho người lao động trở lại làm việc, tránh lây lan dịch bệnh Covid-19

12/05/2020 09:06 AM


Khi áp lực buộc các quốc gia phải giảm bớt các biện pháp hạn chế giãn cách xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã kêu gọi Chính phủ các quốc gia cần hành động để ngăn chặn và kiểm soát COVID-19 tại nơi làm việc; các biện pháp phải được thực hiện với sự chủ động, tích cực của chủ sử dụng lao động cũng như ý thức từ chính bản thân người lao động.

Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo rằng nếu không có biện pháp bảo vệ đầy đủ cho những người lao động trở lại làm việc, rất dễ xảy ra một làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ hai. Chủ sử dụng lao động cần thực hiện các đánh giá rủi ro và đảm bảo nơi làm việc đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh lao động nghiêm ngặt, qua đó giảm thiểu nguy cơ cho những người lao động tiếp xúc với COVID-19. Nếu không có sự kiểm soát bằng các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ, các quốc gia có thể sẽ đối mặt với nguy cơ rất cao sự lây lan virus corona từ các xưởng sản xuất, nơi làm việc.

"Chỉ bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn, chúng ta mới có thể bảo vệ cuộc sống của công nhân, gia đình của họ và cả cộng đồng lớn, đảm bảo sự liên tục trong công việc và sự sống còn của cả nền kinh tế", Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh.

ILO cũng khuyến nghị, các biện pháp kiểm soát rủi ro cần được linh hoạt thực hiện, tùy theo tình hình thực tế, song vẫn phải bảo đảm theo nguyên tắc an toàn nhất là ở những vùng dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Các nhóm cần bảo vệ chặt chẽ bao gồm: Các nhân viên y tế, y tá, bác sĩ và nhân viên cấp cứu, cũng như những người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất như lao động phi chính thức, lao động di cư…; ngoài các biện pháp bảo vệ thông thường, cần truyền thông để nhóm này nâng cao nhận thức, tự thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân.

Các biện pháp cơ bản nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc được ILO đưa ra bao gồm:

+ Lập danh sách, khoanh vùng các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm, đưa ra các cảnh báo với các hoạt động công cộng và thường xuyên đánh giá các mức nguy cơ khi người lao động trở lại làm việc.
+ Áp dụng các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm phù hợp với điều kiện làm việc ở từng lĩnh vực, từng nơi sản xuất; cụ thể: giảm tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân; cải thiện hệ thống thông gió tại nơi làm việc; thường xuyên vệ sinh, khử trùng nơi làm việc; cung cấp đầy đủ các dung dịch, xà phòng rửa tay sát khuẩn tới người lao động…
+ Cung cấp miễn phí các thiết bị bảo hộ cá nhân cho người lao động.
+ Sẵn sàng các biện pháp cách ly người lao động khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh; bảo đảm khoanh vùng, cách ly hoặc theo dõi cách ly với những người có liên quan.
+ Hỗ trợ các biện pháp bảo vệ tâm lý, bảo đảm sức khỏe tinh thần cho người lao động.
+ Cung cấp các thông tin an toàn vệ sinh lao động; thường xuyên tổ chức tập huấn, thực hành các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm an toàn tại nơi làm việc./.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội